Lá mơ lông có tác dụng gì với sức khoẻ?

Tuy là loại rau mọc dại nhưng lá mơ lông lại được nhiều người sử dụng vì tốt cho sức khoẻ, vậy lá mơ lông có tác dụng gì?

Tác dụng của lá mơ lông

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, theo y học cổ truyền, lá mơ lông vị hơi đắng, chát, tính mát, mùi hơi khó ngửi nhưng thường được dùng để sát khuẩn và giải độc. Do đó những trường hợp bị khó tiêu, đầy hơi có thể sử dụng lá mơ lông để cải thiện những triệu chứng này.

Lá mơ lông trong ghi chép của nghiên cứu y học hiện đại có chứa các hoạt chất với công dụng như sau:

Tinh dầu, vitamin C, protein, carotene: Giúp cung cấp năng lượng và làm tăng sức đề kháng;

Sulfur dimethyl disulphide: Hoạt chất công dụng tương tự như một loại kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn, kháng viêm trong đường tiêu hóa và điều trị hội chứng ruột kích thích;

Trong lá mơ lông có rất nhiều hoạt chất kháng viêm giúp trung hòa dịch vị dạ dày, thúc đẩy quá trình nhanh lành các tổn thương ở niêm mạc dạ dày;

Nhờ tính mát, lá mơ lông còn giúp cân bằng hệ tiêu hóa, điều hòa khí huyết, phòng ngừa nguy cơ chướng bụng, đầy hơi, chán ăn và khó tiêu;

Alkaloid: Đây là dạng hoạt chất tác dụng ngăn ngừa quá trình oxy hóa, từ đó giúp hạn chế sự phát triển của các gốc tự do gây hại cho cơ thể.

Lá mơ lông rất tốt cho sức khoẻ

Lá mơ lông rất tốt cho sức khoẻ

Bài thuốc chữa bệnh từ lá mơ lông

Có nhiều bài thuốc chữa bệnh từ lá mơ lông, trong đó đa số thường sử dụng lá mơ lông chế biến thành món ăn điều trị viêm dạ dày. Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Vũ Duy Thành giới thiệu các món ăn điều trị viêm dạ dày từ lá mơ lông như sau:

– Nhai trực tiếp lá mơ lông: Sử dụng một nắm lá mơ lông (5-7 lá), rửa sạch, ngâm nước muối loãng, để thật ráo nước. Nhai sống lá mơ lông với một ít muối trắng, nhai và nuốt từ từ để đạt hiệu quả. Nên sử dụng trong 10-15 ngày để giảm đau dạ dày.

– Nước ép lá mơ lông: Lá mơ lông 40g, đem rửa sạch với nước, ngâm nước muối loãng, vớt ra để ráo. Đem lá mơ lông giã hoặc xay nhuyễn rồi lọc lấy nước cốt, pha thêm với 400ml nước, chia 2 lần, uống trong ngày, từ 7-10 ngày.

– Trứng rán lá mơ lông: Trứng gà 2 quả, lá mơ lông vừa đủ, dầu ăn, gia vị.

Lá mơ lông rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng rồi để ráo. Đem thái nhỏ lá mơ lông, cho vào bát, thêm 2 quả trứng gà, thêm gia vị vừa đủ rồi trộn đều tay. Cho dầu ăn vào chảo nóng vừa, đun nhỏ lửa, cho hỗn hợp trứng gà vào chảo dàn đều, rán cả hai mặt cho đến khi chín, ăn nóng. Ăn đều đặn trong 5-7 ngày, ngày 2 lần sáng- chiều.

– Nước sắc lá mơ lông: Lá mơ lông 30g, bạch biển đậu 10g, mạch môn 15g, cam thảo 5g.

Lá mơ lông rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng, để ráo. Đổ 750ml nước vào nồi, sắc cùng các nguyên liệu trên cho đến khi còn 1/3 lượng nước thì tắt bếp, để nguội rồi chắt ra bát, uống ngày 2 lần sáng- chiều, uống trước bữa ăn 30 phút, trong 3 tuần liên tục.

– Lá mơ lông hầm dạ dày lợn: Lá mơ lông, dạ dày lợn 50g.

Lá mơ lông đem rửa sạch, ngâm nước muối loãng, để ráo. Dạ dày lợn rửa sạch, thái từng miếng nhỏ. Cho dạ dày lợn vào nồi hầm mềm, nêm gia vị vừa ăn. Khi dạ dày mềm, cho lá mơ lông vào nồi tiếp tục nấu thêm 15 phút. Chắt nước ra bát để nguội, uống ngày 2 lần, trong 7-10 ngày. Còn dạ dày lợn và lá mơ lông dùng để ăn, bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Lưu ý khi dùng lá mơ lông

BS Vũ Duy Thành khuyên, không dùng lá mơ lông cho các trường hợp dị ứng với lá mơ. Nếu người nào đó xuất hiện các triệu chứng như nổi mề đay, phát ban, sưng môi phải ngừng sử dụng thì cần đến cơ sở y tế để xử lý kịp thời.

Sử dụng lá mơ rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, rửa sạch, ngâm nước muối trước khi sử dụng.

Sử dụng lá mơ lông phù hợp với các trường hợp viêm dạ dày nhẹ, mới chớm. Trường hợp mạn tính, đau nhiều cần được khám chuyên khoa kịp thời.

Khi sử dụng lá mơ lông cần kết hợp chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ, khoa học, tránh thức khuya, ăn uống nhiều đồ cay, dầu mỡ, tránh hút thuốc lá, uống rượu, bia.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *