Số người bị ung thư ở Việt Nam hàng năm đang tăng lên đáng sợ. Theo thống kê của Hội Ung thư Việt Nam, năm 2000, phát hiện 69.000 ca ung thư, năm 2010 phát hiện 126.000 ca, dự kiến vào các năm 2020, con số có thể tăng lên 200.000 ca/năm.
Riêng về ung thư đại tràng, trực tràng theo PGS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, chủ yếu “do con đường ăn uống”.
Còn GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung Thư Việt Nam thì khẳng định “cứ 10 người bị ung thư, thì 4 người do sử dụng thực phẩm bẩn có chứa các chất độc hại tạo ra đột biến tế bào ở cơ thể con người”.
Từ đó có thể suy ra rằng, thực phẩm bẩn càng bán tràn lan, người tiêu dùng sẽ mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều.
Có hai nguồn chính, nguồn thực phẩm chứa chất độc hại từ bên ngoài nhập vào, và nguồn thứ hai, theo người viết bài này, còn lớn hơn nhiều, và điều đau đớn là nó xuất phát từ chính người Việt chúng ta.
Để rau, hoa quả tươi tốt, rất nhiều nhà vườn, nông dân đã sử dụng vô tội vạ thuốc trừ sâu, hoá chất kích thích tăng trưởng. Để giữ hàng bán được đẹp, người ta tẩm chất hoá học bảo quản vào thực phẩm như thịt cá, hoa quả, đồ ăn chín, thậm chí cho cả vào đồ đóng hộp. Người ta còn dùng hoá chất biến thịt thối thành thịt tươi, nhuộm phẩm da gà để gà bán có màu vàng hấp dẫn, xịt nhớt thải vào rau muống để rau được mướt, thực phẩm nuôi heo trộn lẫn hoá chất tạo nạc…
Việc tạo ra thực phẩm bẩn “muôn hình vạn trạng” không thể nào kể hết, và nói không quá lời, là chính chúng ta đang tự giết chúng ta.
Khi nói đến đạo đức, người ta thường dùng từ “thiện – ác”. Trong câu chuyện thực phẩm bẩn này, cái ác, lợi nhuận thực dụng đang “lên ngôi”; người sản xuất, người kinh doanh đang đẩy mầm mống bệnh tật, trong đó, có bệnh ung thư, về phía người tiêu dùng.
Tất nhiên, gia đình những người tạo ra hoặc bán thực phẩm bẩn không xài các sản phẩm mà hơn ai hết họ biết là độc hại, và họ cũng biết hành vi của họ là trái pháp luật. Nhưng làm sao ngăn chặn?
Hiện nay có bốn bộ chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Công an. Bộ nào cũng than thiếu biên chế, thiếu lực lượng kiểm tra, xử lý thực phẩm bẩn đang kinh doanh, sản xuất tràn lan.
Mà quả thực đúng vậy, những vụ bắt bớ thực phẩm bẩn chẳng là bao so với thực trạng thực phẩm bẩn đang hoành hành trong cả nước. Nhưng bắt, phạt tiền rồi cho kinh doanh tiếp thì không có tác dụng gì cả. Chưa thấy có vụ làm và bán thực phẩm bẩn nào bị đưa ra toà xử thì răn đe được ai?
Thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường tiêu dùng Việt. Có thể thấy từ khâu nuôi trồng, giết mổ, sơ chế thực phẩm trước khi tung ra thj trường đều tiểm ẩn nguy cơ rất lớn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, reo rắc nhiều mầm bệnh nguy hiểm đến phía người tiêu dùng.(Ảnh: Internet)
Có một chuyện khó tin nhưng có thật. Một gia đình ở thủ đô Hà Nội suốt 6 năm không đi chợ vì sợ thực phẩm bẩn, như một tờ báo đã thuật lại. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Xuân ở quận Đống Đa. Trong một lần tìm đến các nhà vườn ở huyện Đông Anh để mua rau sạch theo như lời quảng cáo của nhà sản xuất, ông Xuân nhận thấy các chủ vườn rau khoanh một thửa nhỏ trồng rau dùng cho gia đình, còn thửa lớn để… bán. Bị ám ảnh từ đó, người đàn ông này không còn tin vào chất lượng thực phẩm ở chợ, siêu thị, mà chuyển sang đặt hàng người thân, họ hàng ở quê mang đến cho ông, từ rau, cá, củ hành cho đến các thực phẩm khác.
Câu chuyện chống thực phẩm bẩn của ông Xuân có vẻ cực đoan, nhưng phần nào thể hiện việc người dân không tin và không trông chờ việc ngăn chặn thực phẩm bẩn của các cơ quan quản lý Nhà nước, mà phải tự phòng thân, tự cứu lấy mình…
Bức tranh hỗn độn thực phẩm bẩn ở nước ta nói lên điều gì? Dễ thấy nhất là việc quản lý hàng hoá từ sản xuất đến lưu thông rất lỏng lẻo, thụ động, không ngăn chặn được từ gốc.
Ở nhiều nước, trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất, doanh nghiệp được đề cao. Hệ thống kinh doanh từ sản xuất, tiêu thụ đầu cuối là một chuỗi liên hoàn, có thể kiểm soát được. Chỉ một mắt xích có vấn đề – như thực phẩm chứa độc tố có hại cho sức khoẻ – cũng có thể bị phát hiện.
Pháp luật cũng rất nghiêm minh: thương hiệu mặt hàng có hại cho sức khoẻ bị đình chỉ ngay và nếu phạm vi ảnh hưởng lớn, lãnh đạo doanh nghiệp thậm chí phải hầu toà.
Dư luận xã hội, phản ánh của báo chí cũng tạo áp lực lớn đối với nhà sản xuất và kinh doanh, có thể “xoá sổ” một thương hiệu nổi tiếng nếu gây hại cho người tiêu dùng. Chỉ một cá nhân có thể kiện một sản phẩm không an toàn về sức khoẻ, doanh nghiệp thua kiện phải bồi thường số tiền lớn.
Chính vì sự liên đới trách nhiệm giữa nhà nước, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, mà tạo ra cái “kiềng ba chân” quản lý an toàn thưc phẩm.
Còn với thực trạng hiện nay tại Việt Nam, việc ngăn chặn sự “bành trướng” của thưc phẩm bẩn chưa có lời giải. Hiện tượng thực phẩm bẩn tràn lan nói lên sự “đứt gãy”, sự suy đồi của đạo đức xã hội, khi việc tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá đang trở thành động lực tàn phá các chuẩn mực giá trị. Và nếu như không có một cuộc chiến chung tay giữa các nhà sản xuất chân chính-các cơ quan chức năng trách nhiệm- người tiêu dùng thông thái, thì vấn đề thực phẩm bẩn vẫn mãi nhức nhối, và những cái chết vẫn rình rập chúng ta từ ngay trong căn bếp, từ ngay trên bàn ăn mỗi ngày.
- Đây là lý do không nên đưa ‘thẻ xanh’ lên mạng xã hội: Ai đăng rồi nên xóa ngay
- Một cơn đau bụng kinh bằng gãy 10 cái xương sườn
- Uống rượu ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?
- Bạn nên cắt tóc định kỳ bao lâu một lần? Những điều cần biết
- Người mẹ bị ung thư giai đoạn cuối quyết định ngừng điều trị để giữ đứa con trong bụng