Càng trưởng thành, chúng ta càng tự đặt nhiều câu hỏi hơn dành cho bản thân. Sự hoài nghi về bản thân cũng dần xuất hiện, mang theo cảm giác hoang mang khi những người bạn, những người đồng nghiệp ngày càng tiến xa hơn trong sự nghiệp và cuộc sống. Nghi ngờ năng lực bản thân (self-doubt) vì thế tạo ra những cơn sóng nội tâm, sự ngần ngại hay không chắc chắn về năng lực của chính mình, kéo theo hệ quả là sự thiếu tự tin vào những quyết định trong cuộc sống.
Tuy nhiên, đừng vì thế mà trở nên hoảng sợ, vì self-doubt là hiện tượng tâm lý xảy đến với tất cả mọi người. Tin vui là bạn có thể biến self-doubt trở thành một vũ khí để thành công, nếu biết cách nâng cao niềm tin năng lực bản thân mà các nhà tâm lý học gọi là self-efficacy.
Self-efficacy ảnh hưởng lên cách chúng ta đối mặt với các thử thách
Self-efficacy, hay niềm tin vào năng lực của bản thân, là một học thuyết của nhà tâm lý học Albert Bandura. Self-efficacy là sự tin tưởng ở năng lực của một người có thể giải quyết và thực hiện được các tình huống tiềm năng. Hiểu theo các khác, self-efficacy là niềm tin của một người rằng anh ấy/ cô ấy có thể thành công trong một tình huống cụ thể. Những niềm tin này sẽ củng cố cách người đó nghĩ, hành xử, cảm nhận và quyết định cách họ tiếp cận với các thử thách và mục tiêu trong cuộc sống.
Một người có niềm tin cao ở năng lực của mình sẽ xem thử thách như một nhiệm vụ cần hoàn thiện. Trong khi nếu có niềm tin thấp, người đó sẽ lựa chọn tránh thực hiện các nhiệm vụ mang tính thử thách và tin rằng điều đó vượt tầm khả năng của họ. Họ có xu hướng tập trung vào những thất bại cá nhân và các kết quả tiêu cực hơn – điều sẽ khiến họ tự ti hơn về năng lực cá nhân.
Các nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần đều khuyến khích việc củng cố sức khoẻ bằng việc cải thiện niềm tin năng lực bản thân. Một phần do niềm tin này có thể ảnh hưởng tới nhiều mặt của cuộc sống (cách chúng ta đạt mục tiêu và vượt qua thử thách). Các nhà tâm lý học cũng cho rằng việc nhận ra được sức mạnh và giá trị ở bản thân (self-worth) sẽ giúp chúng ta vượt qua được nhiều thử thách trong cuộc sống.
Vậy làm thế nào để phát triển niềm tin năng lực bản thân?
Chúng ta bắt đầu hình thành niềm tin vào năng lực của mình ngay từ khi còn nhỏ bằng việc giải quyết với các nhiệm vụ, trải nhiệm và tình huống trong cuộc sống. Niềm tin này sẽ không dừng cho tới khi bạn trường thành mà tiếp tục phát triển qua các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, khi bạn bắt đầu học một kĩ năng mới, một trải nghiệm mới hay nhận thức mới.
Theo Bandura, niềm tin năng lực bản thân xuất phát từ 4 nguồn chính: Kinh nghiệm và sự thành thạo, Hình mẫu xã hội, Thuyết phục xã hội, Phản ứng tâm lý. Bạn sẽ cần bắt đầu ở cả 4 nguồn này.
1. Kinh nghiệm và sự thành thạo (Mastery Experiences): Rèn luyện sự thành thạo một nhiệm vụ hoặc đạt được một mục tiêu cụ thể. Ví dụ: đạt điểm cao trong một kì thi, nắm vững một môn thể thao, hay thành công rực rỡ trong một buổi phỏng vấn. Tất cả những kinh nghiệm thành thạo trong cuộc sống sẽ giúp bạn tăng niềm tin vào bản thân.
Lời khuyên: Cách hiệu quả nhất là bạn cần để bản thân trải nghiệm càng nhiều càng tốt và hãy thành thạo thật tốt một kỹ năng, một nhiệm vụ và một thử thách cụ thể.
2. Hình mẫu xã hội (Social Modeling): Mỗi người trong chúng ta đều nhìn những người có đặc điểm giống chúng ta và họ đã thành công trong cuộc sống. Bằng cách quan sát họ, niềm tin của chúng ta được củng cố và tin rằng mình có thể thành công như họ.
Lời khuyên: Hãy tìm kiếm nhiều hình mẫu mà bạn mong muốn trong công việc của bạn và quan sát họ thật kĩ. Họ cũng giống bạn và họ đã thành công.
3. Thuyết phục xã hội (Social Persuasion): Con người thường dễ bị thuyết phục để tin rằng mình có kỹ năng và khả năng để thành công. Khi nhận được một sự khích lệ bằng lời nói từ người khác, bạn sẽ có thêm động lực và tin rằng mình có thể vượt qua được trở ngại.
Lời khuyên: Hãy để bản thân mình tiếp xúc với những người tích cực và lắng nghe nhiều hơn những lời khích lệ động viên của họ. Hãy nhớ, lời nói có sức mạnh to lớn. Bạn cũng cần tự nói (self-talk) những lời khích lệ tích cực cho bản thân mình, ví dụ như “tôi đang cố gắng” “tôi có thể vượt qua được điều này” …. Những lời khẳng định tích cực tới bản thân sẽ giúp bạn tạo ra một nội tâm mạnh mẽ hơn trước các thử thách.
4. Các phản ứng tâm lý (Psychological Responses): Cảm xúc, phản ứng về hành vi, mức độ căng thẳng sẽ ảnh hưởng lên cách một người cảm nhận về năng lực của bản thân trong một tình huống cụ thể. Ví dụ: Khi bạn giận quá mất khôn, bạn bắt đầu nghi ngờ năng lực của chính mình khi không giải quyết được vấn đề bằng cách khác.
Lời khuyên: Bằng cách học cách giảm thiểu tối đa tình trạng căng thẳng và những cảm xúc leo thang khi đối diện với các nhiệm vụ thử thách và khó khăn, bạn hoàn toàn có thể cải thiện được niềm tin vào năng lực của chính mình. Tham khảo cách quản lý căng thẳng ở đây.
Hãy nhớ hành trình khám phá bản thân là sự tin tưởng và từ bi với chính bản thân
Bandura khẳng định, nhận thức hay hiểu biết về bản thân cần kết hợp nhiều yếu tố nằm trong hệ thống mà các nhà tâm lý học gọi là self system (tạm dịch là hệ thống nhận thức bản thân), trong đó niềm tin vào năng lực bản thân đóng vai trọng yếu.
Self-efficacy có mối liên hệ gần gũi với các khái niệm self-awareness (tự nhận thức), self-compassion và self-talk trong tâm lý học. Chúng hoạt động một cách gắn kết với nhau. Trong đó khuyến khích thực hành các kĩ thuật trong tâm lý học như – độc thoại tích cực (positive self-talk), tái tạo những góc nhìn tích cực hơn (kĩ thuật framing/reframing) và phát triển lòng trắc ẩn với chính bản thân mình (self-compassion).
Những kĩ thuật này là nền tảng để xây dựng nên đặc điểm tính cách của những người thành công – tính tò mò, lòng trắc ẩn, sự bền bỉ, sự trầm ổn (theo Rich Karrlgaard, tác giả của cuốn sách Late Bloomers: The power of patience in a world obsessed with early achievement).
- 4 công thức làm đẹp da cực lạ từ trứng chim cút
- Top 6 loại nước súc miệng đang làm mưa làm gió trên thị trường
- Khu phố Tây ăn chơi bậc nhất Hàn Quốc ở ‘Tầng lớp Itaewon’
- Kariko Katalin: Từ nhà khoa học bị chối bỏ đến người phụ nữ tìm ra công nghệ điều chế Vacccine COVID – 19
- Cách làm bột hoa hồi tiện dụng trong cuộc sống hằng ngày