Post-Holiday blue: Nỗi buồn quý giá và đường cong hạnh phúc của một chuyến đi

Giữa các khoảng thời gian làm việc tại nhà, ăn vặt, chợp mắt và xem Netflix là những lúc bạn lướt màn hình xem lại hình ảnh các chuyến du lịch trong quá khứ. Bạn nhớ về những chuyến đi, nhớ cái cảm giác nhâm nhi một ly cà phê với thiên nhiên bao quanh và tự hứa sẽ lại lên đường ngay khi dịch kết thúc.

ảnh:nytimes

Những kì nghỉ rõ ràng là điều mà chúng ta hướng đến để trở nên vui hơn, để trải nghiệm sống và để bồi đắp các mối quan hệ, xả stress, được là chính mình hay trở thành kẻ trốn chạy. Cũng vì thế mà chúng ta dành rất nhiều thời gian trong cuộc đời của mình để tìm kiếm những nguồn cảm hứng du lịch và lên địa điểm trong mơ. Dù không thể thực hiện ngay lúc này, chúng ta đang âm thầm chuẩn bị kế hoạch ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trong khi chờ tới lúc đó, hãy cùng thử tìm hiểu xem những chuyến đi có thật sự khiến bạn hạnh phúc? Kết quả từ một nghiên cứu được nêu ra trong bài có thể khiến những phượt thủ phải thất vọng. Du lịch không hoàn toàn khiến bạn vui vẻ lâu dài, chúng thậm chí có thể tạo ra những nỗi lo và căng thẳng.

Khi du lịch cũng có thể khiến bạn lo âu

Trong tiếng anh có thuật ngữ post-holiday mood crash, hay post-holiday blue ám chỉ hiện tượng “tụt mood” sau khi đi du lịch và trở về nhà. Ngay cả khi bạn đã tận hưởng chuyến đi một cách vui vẻ, một khi bạn trở về ngôi nhà thân yêu của mình tâm trạng đó bắt đầu tan biến. Lúc này dư chấn của chuyến đi có thể bị thay thế dần bởi những cảm giác hụt hẫng và sự nhọc nhằn khi phải thích nghi lại với nhịp sống mới.

Những nghiên cứu cho thấy các chuyến đi đem lại niềm vui cũng như các lợi ích khác cho người thực hiện. Một phần bởi vì khi đi du lịch, cơ thể bạn sẽ sản sinh ra dopamine và kích hoạt trung tâm khen thưởng đầy khoái cảm của não bộ, đó là khi bạn trải nghiệm những món ăn ngon, cảm giác mới lạ, cảnh sắc tuyệt đẹp … chúng sẽ tạo ra cảm giác viên mãn, hạnh phúc.

Nhưng kì nghỉ của bạn càng kéo dài, thì tình trạng tụt mood sau kỳ nghỉ càng mãnh liệt hơn. Khi mùa sôi động kết thúc là lúc bạn trở lại với thói quen bình thường, mức dopamine đột ngột thấp hơn có thể dẫn đến suy sụp tâm trạng.

Đối với một số người, tâm trạng tệ hại và căng thẳng thậm chí xảy ra ngay trong chuyến đi. Đó có thể là những lo lắng về tài chính, sự mất an toàn (và cả dịch bệnh nữa), quá nhiều tương tác với gia đình trong suốt chuyến đi và sự xáo trộn thói quen trong một thời gian dài.

Một số người trải nghiệm những cảm xúc bất thường kèm theo triệu chứng như đau dầu, đau cơ… trong chuyến đi được các nhà khoa học cho rằng họ mắc căn bệnh thư giãn (leisure sickness). Những người này không có khả năng để thư giãn và thích ứng với tốc độ làm việc cuộc sống bên ngoài. Các triệu chứng bệnh thậm chí xuất hiện cả vào những ngày cuối tuần, mặc dù họ hiếm khi cảm thấy tồi tệ trong công việc.

Ảnh: nytimes

Đường cong hạnh phúc của những chuyến đi

Vậy làm thế nào để bản thân không rơi vào những tình cảnh trên? Câu trả lời nằm ở việc chúng ta hiểu như thế nào về sự thay đổi cảm xúc của cả quá trình. Kể từ khi bạn được truyền cảm hứng cho tới khi trở về nhà và quay lại với cuộc sống thường ngày.

Một nghiên cứu của Nawijin từ đại học ứng dụng NHTV Breda, Hà Lan về đường cong hạnh phúc trong những chuyến du lịch cho thấy – 10% thời gian đầu tiên của kỳ nghỉ tâm trạng chúng ta thường duy trì ở mức thấp, 70% thời gian của kỳ nghỉ tâm trạng ở mức khá cao và đột ngột tăng cao vào ngày trước khi trở về nhà. Hai tuần sau chuyến du lịch, gần như tất cả các cảm giác hưng phấn của một kỳ nghỉ không còn nữa.

Hiểu hơn về tâm trạng trong các giai đoạn khác nhau của kì nghỉ này sẽ giúp bạn tận hưởng tốt thời gian của kì nghỉ. Đồng thời chấp nhận được rằng post-holiday blue là điều bình thường và chúng sẽ nhanh chóng qua đi.

Ảnh: nytimes

Cách để lên kế hoạch cho những chuyến đi hạnh phúc

Theo Nawjin, các điều kiện đóng góp cho một chuyến đi hạnh phúc sẽ bao gồm – thời tiết, mức độ căng thẳng, người đồng hành và thời gian lưu trú. Đặc biệt nghiên cứu của Nawjin cũng khám phá ra những người có kỳ nghỉ chừng từ ba đến sáu ngày có xu hướng có tâm trạng tích cực hơn những người có các chuyến đi ngắn hơn hoặc dài hơn. Nghiên cứu khác cũng cho thấy những người đi du lịch ở mức độ thường xuyên hơn sẽ hạnh phúc hơn.

Dưới đây là những lời khuyên có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho các chuyến du lịch tiếp theo.

Lời khuyên #1: Hãy thực hiện nhiều chuyến đi ngắn ngày hơn thay vì một vài chuyến đi dài ngày. Điều quan trọng ở đây là bạn tạo ra các “quãng nghỉ” cho bản thân một cách thường xuyên hơn trong cuộc sống của mình, giữa công việc và cuộc sống gia đình.

Lời khuyên #2: Lựa chọn kì nghỉ phù hợp với bản thân. Hãy thành thực với bản thân xem liệu bạn thật sự cần một kì nghỉ hay không? Nếu bạn không muốn, đừng thực hiện bạn không cần phải cố gắng “nghỉ ngơi” khi cảm thấy không cần thiết.

Bạn cũng có thể lựa chọn những phong cách du lịch phù hợp hơn với nhu cầu bản thân –ví dụ workation chuyến du lịch kết hợp công việc khi phải làm việc từ xa dài ngày hay staycation, nghỉ ngơi ngay tại nơi mình đang sống mà không phải đi xa.

Lời khuyên #3: Kì nghỉ năng động sẽ giúp bạn vui vẻ hơn. Cơ thể và tâm trí của bạn sẽ trở nên khoẻ mạnh hơn khi gắn kết các hoạt động thể thao trong kì nghỉ, ví dụ như trượt tuyết, bơi lội, leo núi … luyện tập một chút sẽ giúp bạn có thêm năng lượng và giảm thiểu căng thẳng.

Lời khuyên #4: Tận hưởng giai đoạn lập kế hoạch trước chuyến đi. Việc chuẩn bị trước chuyến đi có thể đem lại tâm trạng phấn khởi, thích thú và tràn đầy năng lượng hơn bạn tưởng. Hãy tận dụng tốt thời gian này để nghiên cứu kĩ lưỡng hơn về chuyến đi, điều này cũng giúp bạn tránh được leisure sickness.

Lời khuyên #5: Du lịch gần giúp bạn bớt nhớ nhung về những chuyến đi xa. Những bất ổn về tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng kéo dài vài năm tới đây nhưng home travel, xu hướng du lịch trong nước,.Trong khi chờ đợi có thể rất lâu nữa các chuyến bay quốc tế mới trở lại bình thường thì bạn có thể học cách tận hưởng các chuyến du lịch ngay trong nước (dĩ nhiên là sau khi giãn cách xã hội).

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *