Sáng tạo có phải là khái niệm quá “viển vông” và không thực sự cần thiết với những ngành công nghiệp khác? Sáng tạo chỉ thuộc về nghệ thuật? Sáng tạo là năng khiếu thiên bẩm? Dù là một trong những khái niệm cơ bản nhất, vẫn có những lầm tưởng thú vị liên quan đến sáng tạo trong cuộc sống hàng ngày.
(Skyya Designs)
Tác giả Scott Barry Kaufman từng viết trên tạp chí Scientic America rằng không có điều gì định hình những trải nghiệm của loài người sâu sắc và rộng khắp như sự sáng tạo. Và đúng như vậy, sự sáng tạo là động lực thúc tiến mọi sự phát triển của những nền văn minh, không chỉ riêng với nghệ thuật, mà còn trong những lĩnh vực ta ít ngờ đến như khoa học, kinh tế và công nghệ. Nhưng có một nghịch lý là dù phổ khắp như vậy, sáng tạo vẫn còn là khái niệm “bí ẩn” với nhiều người, thậm chí bị hiểu sai, và vì thế, hoặc bị áp dụng sai, hoặc thậm chí không được áp dụng. Với các nhà triết học như Kant, sự sáng tạo là “khả năng kiến tạo những sản phẩm khi trí tưởng tượng được giải phóng khỏi những luật lệ.” Tâm lý học mang đến một khái niệm cụ thể hơn, theo đó, sáng tạo là khả năng tạo ra hay khám phá những ý tưởng, giải pháp, và khả năng mới. Sáng tạo theo đó cũng có thể là một khuynh hướng suy nghĩ nhằm tìm kiếm những câu trả lời cho cùng một câu hỏi hay những vấn đề cho cùng một vấn đề.
(Vecteezy)
Đã qua lâu rồi cái thời chỉ có những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mới được nhìn nhận như những người sáng tạo, bởi ngoài việc vẽ một bức tranh đẹp, sáng tác một bài thơ hay, tiền đề của khái niệm sáng tạo luôn là việc bạn có thể kết nối đến đâu các ý tưởng và tạo nên những ý tưởng mới mẻ thế nào để khiến những công việc bạn làm hàng ngày trở nên nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn. Vậy còn những lầm tưởng cố hữu nào khác về sáng tạo không?
Sáng tạo là khả năng thiên bẩm
Nhiều người nghĩ sự sáng tạo sinh ra cùng lúc với ai đó, vì thế hoặc họ sinh ra để làm sáng tạo, để trở thành một nghệ sĩ, những người phát kiến, hoặc họ chỉ đơn giản làm những công việc “không đòi hỏi sự sáng tạo”. Nhưng trên thực tế, sự sáng tạo ở một mức độ nào đó không nhất thiết là khả năng thiên bẩm, và dù có là khả năng thiên bẩm, nó cũng có thể “chết yểu” nếu không được bồi dưỡng.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sáng tạo hoàn toàn có thể được hình thành trong quá trình rèn luyện, vì thế thay vì nhìn nhận nó như một khả năng, đó hóa ra lại là một kĩ năng, một thói quen như bất kì những thói quen nào khác chỉ có thể hình thành và phát triển khi bạn dành cho nó sự tập trung, thời gian và không gian thích hợp để luyện tập. Khi một ý tưởng mới xuất hiện, nó không phải một khoảnh khắc xuất thần mà đến từ quá trình dài tích lũy thông tin, kiến thức và sự quan sát môi trường xung quanh. Chúng đến từ cuốn sách bạn đọc, âm nhạc bạn nghe, ngôn ngữ bạn sử dụng, cuộc đối thoại bạn đang có với đồng nghiệp… Tất cả những điều này là sự rèn luyện thúc đẩy khả năng sáng tạo.
(Artworkarchive)
Sự nhàm chán giết chết sáng tạo
Có phải những ý tưởng sáng tạo chỉ xuất hiện khi bạn có sự tự do và không bị bó buộc bởi những luật lệ? Nhiều nghiên cứu khoa học phủ định điều này, bởi quá nhiều sự tự do có thể khiến bạn mất đi sự tập trung và khiến bạn hoang mang hơn trong khi luật lệ hay quy tắc thu hẹp lại nguồn tài nguyên bạn có và buộc bạn phải đưa ra những ý tưởng mới mẻ dựa vào chính những tài nguyên này, không hơn.
Một thực tế thậm chí còn thú vị hơn nằm ở việc chính sự nhàm chán là động lực thúc đẩy sáng tạo ở mức khó có thể hình dung. Theo một nghiên cứu từ đại học Penn State, nhóm người đang chán nản với những đầu việc họ phải làm hàng ngày lại chính là nhóm muốn tìm kiếm những hoạt động mới lạ hơn và có thể mang lại cho họ cảm giác mình đang đạt được thành tựu nào đó. Ngày mai khi bắt đầu ngày làm việc của bạn, hãy thử làm những việc vô vị lặp đi lặp lại như trả lời email, nhập dữ liệu… trước khi phải làm những việc quan trọng hơn liên quan đến khả năng giải quyết vấn đề hay những cuộc họp, bởi rất có thể sau cảm giác nhàm chán, não bộ bạn sẽ tự động chuyển sang một kiểu suy nghĩ khác để tìm ra những giải pháp sáng tạo hơn hẳn.
“Việc của tôi thì cần gì đến sáng tạo?”
Lầm tưởng tai hại nhất về sáng tạo, có lẽ ở chính lập luận rằng những công việc phổ biến thông thường sẽ chẳng có chỗ cho sự sáng tạo, vì thế hãy chỉ học thuộc công thức và làm đi làm lại một công việc đến độ thành thục. Khoa học kĩ thuật phát triển đồng nghĩa với sự đào thải với chính những “cái máy” này, bởi một việc được làm đi làm lại với con người, thì máy móc cũng có thể làm được chính những điều đó, thậm chí còn nhanh chóng hơn và với độ chính xác cao hơn.
Sự sáng tạo chắc chắn không chỉ liên quan đến những bộ phận công việc cụ thể như quảng cáo, thiết kế hay marketing, bởi ý tưởng mới và khả năng tìm ra hướng giải quyết nhanh chóng cho một vấn đề là điều bất cứ lĩnh vực nào cũng cần, dù bạn có là một kĩ sư hay bác sĩ chăng nữa. Suy cho cùng, sáng tạo chính là một xu hướng tư duy, và mỗi ngành nghề sẽ mang lại những thành quả khác nhau từ chính xu hướng tư duy ấy.
(Blog.Dropbox.com)
Ở một thế giới ngày càng phẳng và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, sáng tạo được đánh giá đặc biệt quan trọng với bất cứ lĩnh vực công nghiệp dịch vụ nào. Sự sáng tạo thúc đẩy những ý tưởng lớn, thử thách cách suy nghĩ và mở ra những cơ hội cho bất cứ cá nhân, công ty nào. Xã hội hiện đại cùng với những tiến bộ khoa học kĩ thuật đẩy chúng ta đến với một thực tế sát sườn: các công việc đã không còn như trước đây, và việc hiểu đúng về sự sáng tạo có thể chính là bước tiền đề cho những điều “có thể” trong mọi ngành công nghiệp ở thì tương lai gần. Theo báo cáo World Economic Forum, sáng tạo đã không bị bó hẹp ở một “khả năng thiên bẩm”, mà là một trong những kĩ năng mềm quan trọng. Cũng theo báo cáo này, sáng tạo liên quan đến tới 9/10 kĩ năng những nhà tuyển dụng toàn cầu đánh giá “thiết yếu” kể từ năm 2020.