Tắm nước lạnh hay nóng đều có tác dụng nhất định với cơ thể nhưng bạn cần lưu ý thời điểm tắm.
Tôi có thói quen tắm nước nóng quanh năm kể cả vào mùa hè. Xin hỏi bác sĩ, tắm nước nóng hay lạnh tốt cho sức khỏe hơn? Tôi cảm ơn! (Nguyễn Việt Nga – Hà Đông, Hà Nội)
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng (Hà Nội), tư vấn:
Khi tắm dùng nước lạnh hay nóng do thói quen của mỗi người. Loại nước nào cũng có tác dụng nhất định với cơ thể.
Nước lạnh kích thích các mạch bạch huyết, hệ miễn dịch, tăng cường sản sinh tế bào lympho chống sự lây nhiễm của các vi khuẩn, tăng miễn dịch. Nước lạnh tốt cho tim phổi, làm da se lại, giúp trao đổi chất nhiều hơn. Khi tắm nước lạnh, bạn cảm thấy da đẹp hơn.
Tuy nhiên, người mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi, bị viêm phổi cần thận trọng khi tắm nước lạnh. Những người này dễ bị sốc nhiệt, dẫn đến đau tim và đột quỵ.
Tắm nước ấm làm giãn cơ sau cả ngày làm việc, giúp bạn cảm thấy thư thái, sảng khoái, giảm các triệu chứng đau. Tuy nhiên, tắm nước nóng lâu gây khô và nhăn da. Nước nóng còn làm giãn mao mạch, tăng tuần hoàn ngoại vi.
Nhiều người cho rằng mùa hè tắm nước lạnh mát. Tuy nhiên, tắm nước nóng giải nhiệt tốt hơn lạnh. Khi tắm với nước lạnh, bạn cảm thấy mát ngoài da nhưng các mao mạch dưới da co lại, nhiệt trong cơ thể không thoát được. Trong khi đó, tắm nước ấm khiến mao mạch giãn ra, lỗ chân lông mở giúp bạn giải nhiệt tốt, cơ thể giảm nhiệt.
Lưu ý, mùa đông hay mùa hè bạn vẫn không nên tắm sau 21h để phòng ngừa một số ảnh hưởng xấu cho sức khỏe. Không tắm lâu quá khiến cơ thể mất nhiệt. Người bị dị ứng không nên tắm lâu hoặc nước quá nóng vì làm tăng tình trạng khô da, ngứa hơn. Bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm sau khi tắm.
Tốt nhất, buổi sáng bạn nên tắm nước lạnh, buổi tối tắm nước ấm. Nếu bạn đi xuống hồ bơi nước lạnh – nóng đều phải cho cơ thể làm quen với nhiệt độ của nước. Tránh tiếp xúc với trạng thái nước lạnh hay nóng đột ngột.
Các bạn cần thực hiện các bước theo thứ tự lần lượt là rửa mặt, rồi sau đó tắm xuống toàn thân từ trên xuống và cuối cùng là gội đầu. Thực hiện đúng những bước này làm cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể tốt hơn, thúc đẩy tuần hoàn máu và giãn nở lỗ chân lông.
- Những điều thú vị về văn hóa uống trà của người Việt xưa và nay
- Công thức nước detox, đào thải độc tố, giảm mỡ của Kỳ Duyên cực dễ làm tại nhà
- Uống trà ngải cứu có tác dụng gì với sức khoẻ?
- Việt Nam thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống
- Có nên để nước đun sôi để nguội trong nhiều ngày?