Hắc kỷ tử (kỷ tử đen, Lycium barbarum, tên khoa học là lycium ruthencium) là loại quả có hình tròn mọng, khi chín quả có màu đen với đường kính quả khoảng 0,5 cm. Hắc kỷ tử có vị ngọt, ngâm nước sẽ chuyển sang màu tím như màu hoa oải hương.
So với kỷ tử đỏ thì hắc kỷ được được cho là có giá trị dinh dưỡng cao hơn và được ví như “vua của Anthocyanin” – một hợp chất thực vật giúp trái cây và rau củ có màu đậm như đỏ, tím, xanh lam. Hoạt tính sinh học của hợp chất này đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra là giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ sức khỏe con người.
1. Tác dụng của hắc kỷ tử đối với sức khỏe
Theo Đông y, hắc kỷ tử tính bình, quy kinh can, thận có tác dụng bổ can thận, ích khí, bổ huyết, làm sáng mắt. Mỗi quả hắc kỷ tử chứa khoảng 40% protein và 18 axit amin khác nhau, cộng với hơn 20 chất khoáng khác, bao gồm kẽm, sắt, phốt pho và riboflavin (vitamin B2). 5 loại carotenoid được tìm thấy trong quả hắc kỷ tử là: beta-carotene, zeaxanthin, lutein, cryptoxanthin và lycopene
Dưới đây là những tác dụng của kỷ tử đen mà bạn có thể tham khảo:
– Cải thiện nhận thức, tăng năng lượng
Hắc kỷ tử chứa một số axit amin có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cơ thể tổng hợp dopamine và các chất dẫn truyền thần kinh khác. Đồng thời giúp ngăn ngừa tổn thương do stress oxy hóa đối với các tế bào não, nguyên nhân gây suy giảm nhận thức ở người lớn tuổi.
– Chống lão hóa
Quả hắc kỷ tử chứa các hợp chất gọi là polysacarit và rất giàu vitamin C có tác dụng chống lão hóa hiệu quả nhờ khả năng thúc đẩy cơ thể sản xuất elastin và collagen. Từ đó giúp làn da đàn hồi hơn, săn chắc hơn và khỏe mạnh hơn.
Nước ngâm hắc kỷ tử bôi lên da còn giúp da sáng khỏe, mờ thâm, giảm sẹo và giảm tổn thương do mụn trứng cá gây ra.
– Bảo vệ và ngăn ngừa tổn thương DNA
Stress oxy hóa có thể cản trở chức năng bình thường của tế bào và gây tổn hại DNA. Quả hắc kỷ tử chứa beta-carotene và OPCs (Oligomeric Proanthocyanidins) được cho là có tác dụng giảm stress oxy hóa và ngăn ngừa tổn thương DNA có liên quan tới các bệnh lão hóa thần kinh như sa sút trí tuệ, Alzheimer; kéo dài tuổi thọ;… OPCs cũng có thể giúp bảo vệ cơ thể, ngăn ngừa sự hình thành của các tế bào ung thư.
– Tốt cho thị lực
Hắc kỷ tử từ lâu đã được biết đến là có tác dụng rất tốt với thị lực, giúp cải thiện thị giác và giảm xuất huyết mao mạch, phòng tránh và chống lại sự phát triển của bệnh thoái hóa điểm vàng nhờ tác dụng của hai hợp chất carotenoid và OPCs. Trong đó loại carotenoid được nhắc đến nhiều nhất là lutein và zeaxanthin.
– Tăng cường hệ miễn dịch
Hắc kỷ tử cũng là một nguồn giàu vitamin C và kẽm. Hai loại này đặc biệt tốt cho hệ miễn dịch, chống lại các nhiễm trùng như cảm lạnh và cúm.
– Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Hàm lượng chất chống oxy hóa cao cùng lượng vitamin B giúp hắc kỷ tử có thể có lợi trong việc bảo vệ khỏi các bệnh tim mạch bao gồm giảm nồng độ cholesterol xấu, chống lại sự hình thành của các mảng xơ vữa động mạch có liên quan tới các bệnh huyết khối và rủi ro đột quỵ, nhồi máu cơ tim, đồng thời hỗ trợ cho quá trình lưu thông máu thuận lợi hơn.
Vì thế mà hắc kỷ tử cũng có thể trở thành lựa chọn lành mạnh cho người mắc bệnh huyết áp.
2. Cách sử dụng hắc kỷ tử
Hắc kỷ tử có thể dùng để ăn trực tiếp, ngâm rượu, pha trà hoặc là thành phần của các bài thuốc trong Đông Y hay thêm vào các món hầm, súp, canh, salad,…
Nếu muốn ngâm rượu hắc kỷ tử, bạn cần chuẩn bị khoảng 1 kg hạt kỷ tử đen, 5 lít rượu gạo 40 độ và bình thủy tinh ngâm rượu. Ngâm trong khoảng 20 ngày là có thể sử dụng được.
Để pha trà hắc kỷ tử bạn cần chuẩn bị 5 gam hạt hắc kỷ tử, hãm với 200ml nước ấm khoảng 60 – 70 độ C. Khi ủ, hắc kỷ tử sẽ tiết ra màu tím thẫm, mùi thơm nhẹ. Ủ khoảng 20 phút là có thể dùng được.
Mặc dù rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên sử dụng hắc kỷ tử. Theo Đông Y, do hắc kỷ tử tính bình nên người dễ bị bốc hỏa, nóng trong, đang phát sốt, bị tiêu chảy, viêm đau do nhiệt không nên dùng hắc kỷ tử, tránh cho các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người đang điều trị các bệnh mãn tính theo đơn của bác sĩ cũng không nên tự ý dùng hắc kỷ tử mà chưa có tư vấn của bác sĩ. Trẻ nhỏ ăn kỷ tử có nguy cơ bị hóc, nghẹn nên cần đặc biệt chú ý.