Cố đô Huế vốn dĩ luôn thu hút du khách vào bất kỳ mùa nào trong năm. Nhưng có lẽ, những khoảnh khắc đẹp đến nao lòng thường xuất hiện trong những ngày đầu thu, khi thành phố chuyển mình nhẹ nhàng với màu trời trong xanh và chút lạnh đầu mùa. Đại dịch tuy là khoảng thời gian khó khăn cho những chuyến hành trình, nhưng nếu vô tình bạn đang ở Huế, hay có dự định đến cố đô vào mùa thu, thì dưới đây là những điều nhỏ bé nhưng đầy thú vị để trải nghiệm.
Mùa thu ở Huế lấp đầy bởi những trải nghiệm đáng giá (Hình: Smile Travel)
Thưởng thức bún bò bình dân
Quà ăn sáng ở Huế chẳng thiếu điều chi. Đạp xe ghé ngang Vĩ Dạ làm tô cơm hến nóng hổi, hay chạy về những khu chợ nhỏ thưởng thức ổ mì heo quay giòn rụm hoặc ngồi vây quanh nồi bánh canh Nam Phổ đặc sệt đậm đà. Nhưng những ngày thu ở Huế trời se lạnh, khi bình minh chào đón bằng chút mưa rào, thì cảm giác đạp xe ra khu chợ gần nhà để thưởng thức bát bún bò trứ danh lại mang đến một cảm giác rất dễ “nghiện”.
Với một bát bún thơm mùi ruốc sả đặc trưng, đầy ắp giò, bò, chả cua và huyết mềm, cùng một dĩa rau sống tươi ngon, tất cả kết hợp tạo nên một bữa sáng đủ đầy nhất. Tìm ra quán bún bò ở Huế chẳng khó chi, từ trứ danh cho đến bình dân, đâu đâu cũng dễ bắt gặp. Nhưng nếu lần đầu đến Huế, bạn có thể chọn những quán dọc bờ sông mát lành, hay trong khu chợ nhộn nhịp, để vừa có thể thưởng thức tô bún bò đầy đủ đậm vị, vừa nhìn ngắm cuộc sống bình yên đang diễn ra xung quanh.
Không gì tuyệt hơn việc hít hà vị cay nóng của tô bún bò trong những ngày đầu thu mát lạnh (Hình: Chuduu 24h)
Uống cà phê Sửu
Người mới đến Huế chẳng thể tìm ra cà phê Sửu bằng các công cụ tìm kiếm. Đây là quán cà phê quen thuộc với người địa phương từ dân văn phòng đến lao động tự do ở Huế. Không gian pha chế đơn giản được tận dụng từ chốt trực bảo vệ cũ. Không gian thường thức cà phê chính là cả một công viên xung quanh với đủ cỏ cây, chim chóc pha lẫn với sự náo nhiệt của xe cộ cùng khu dân cư. Bên cạnh quán là chuỗi quà sáng trải dài từ mì (bánh mì), bún bò, cơm hến, các loại bánh bèo, nậm, lọc,.. Gọi một ly cà phê sữa nóng, nhâm nhi chút mì heo quay, hay thong thả đọc tờ báo được để lại bên chiếc ghế vừa rời đi, rồi lâu lâu lại bật cười với câu chuyện mà ông chú bàn bên đang kể, tất cả gói ghém đủ đầy thành một bữa sáng mùa thu chộn rộn ở cố đô.
Đi đò ngang ở Bao Vinh
Nhìn ngắm trọn vẹn phố cổ Bao Vinh từ chuyến đò ngang (Hình: @dangchauanhphong)
Ở Huế không chỉ có phố cổ Bao Vinh có đò ngang, bởi lẽ, cố đô Huế luôn được lấp đầy bởi những dòng sông hay bến nước. Nhưng đi đò ở Bao Vinh còn là trải nghiệm gắn liền với việc đắm mình trong sự hoài niệm về một thương cảng lừng danh từ thế kỷ 17-19. Ngày nay, đi dọc khu phố cổ Bao Vinh mang lại đặc ân được nhìn ngắm những vết tích của lịch sử mà không bị chỉnh sửa hay thay đổi quá nhiều. Những căn nhà trăm tuổi, đình làng, bến đò, chợ xưa, .,.mọi thứ xen kẽ hài hòa như bức tranh lịch sử sống động bên bờ sông Hương trữ tình.
Khách đi đò có thể tìm đến vào sáng sớm hoặc trước hoàng hôn để trải nghiệm những chuyến đò ngang bao năm qua đã các o, các mệ cùng những gánh rau, món hàng qua lại giữa hai bờ sông từ làng Sình, làng Phú Mậu, Thanh Tiên hay Tiên Nộn. Đẹp nhất còn là khoảng thời gian trời thu mát lành, hoàng hôn buông xuống hắt ánh nắng chiều vàng ươm lên dòng sông xanh rì, trên chuyến đò ngang với lắm câu chuyện vui buồn về một ngày mưu sinh, chợt thấy lòng mình đã cảm mến cố đô hiền hòa từ bao giờ.
“Ngủ” trên sông Hương
“Ngủ” trên sông Hương chỉ là hình ảnh tượng trưng của việc thả mình trên dòng sông thơ mộng nhất cố đô bằng nhiều hình thức khác nhau. Bạn có thể mặc áo phao rồi thả trôi gần bờ, hay thuê một chiếc Kayak rồi thong dong nhìn ngắm trời mây. Sông Hương vào mùa nước cạn thường không xoáy, nhưng nếu bạn biết bơi hay đã quen với nước, mọi thứ có thể sẽ dễ dàng hơn. Sông Hương không chỉ là một điểm nhấn về mặt địa lý mà nơi đây còn được coi là không gian sinh hoạt cộng đồng của biết bao thế hệ người Huế và yêu Huế. Cứ vào mỗi sáng sớm hay chiều tà, dòng sông lại rộng lòng ấp ôm đủ nỗi buồn vui, từ những cậu chàng chạy bộ dọc bờ sông, đến những cụ già ngồi thẫn thờ nhìn nước trôi, rồi đến cả những nhóm bạn í ới gọi nhau trên thuyền Kayak,.. từng góc nhỏ ghép vào bức tranh đô thị sôi động giữa lòng thành phố.
Sông Hương từ lâu đã trở thành không gian cộng đồng của người dân Huế (Hình: VN Express)
“Càn quét” chuỗi bảo tàng
Ngoài là chốn thiên đường của ẩm thực hay lăng tẩm, đất kinh kỳ còn được biết đến bởi chuỗi bảo tàng chinh phục cả phần nhìn và nội dung. Từ những bảo tàng truyền thống đến những bảo tàng tư nhân hiện đại, từ những bảo tàng của những trang sử xưa đến những tài năng lừng danh trong trang sử hiện địa, tất cả đều được ghi dấu sắc nét và độc nhất trong từng khu bảo tàng. Phố bảo tàng bên sông hương như bảo tàng Lê Bá Đảng, bảo tàng Điềm Phùng Thị, bảo tàng Văn Hóa Huế,.. là điển hình cho chốn thiên đường bảo tàng nơi cố đô. Dành vài ngày khám phá trọn những bảo tàng hiện diện ở cố đô là đủ để góp nhặt thêm rất nhiều điều mới mẻ về vùng đất kinh kỳ.
Bảo tàng Lê Bá Đảng khiến khách ghé thăm lạc lối trong thế giới nghệ thuật (hình: lebadangmemoryspace)
Khám phá trọn vẹn Đại Nội
“Trọn vẹn” khám phá được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng khi không chỉ đi trọn hết khu vực rộng lớn của Đại Nội mà còn thực sự để tâm hồn đi sâu vào những lát cắt lịch sử còn sót lại ở đây. Sai lầm mà nhiều du khách mắc phải khi lần đầu tới Huế là rút gọn các khoảng thời gian di chuyển ở sân bay, nghỉ ngơi ở khách sạn và khám phá đại nội trong cùng một ngày. Điều này thường mất thời gian và sức lực hơn tưởng tượng bởi lẽ đại nội là một khu vực rộng lớn và đa dạng để khám phá.
Hơn thế nữa, vào những ngày hè nóng bức, khám phá trọn vẹn đại nội là một thách thức không nhỏ. Khí trời mát mẻ vào đầu thu lại trở thành ưu điểm, đây là thời điểm lý tưởng nhất để khám phá đại nội rộng lớn từ sáng đến tối mịt, từ ngắm nhìn những mảng tường hay di vật cổ, đến việc thưởng thức những tách trà nóng bên hồ sen, hoặc chờ đến những giờ lễ để được xem nghi thức cung đình xưa.
Khám phá Đại Nội chưa bao giờ là một thách thức dễ dàng (nguồn: tourdanangcity)
Ngắm hoàng hôn đồi Vọng Cảnh
Đồi Vọng Cảnh đã thể hiện vị thế của nó ngay trong chính tên gọi. Thời xa xưa, đây là đồi mà vua chúa dùng để ngắm cảnh vào những buổi bình minh và hoàng hôn. Đây cũng là nơi nhìn ngắm thành phố Huế với độ cao lý tưởng, một thành phố bình yên được bao bọc bởi núi sông. Và trong khoảnh khắc chiều tà, khi mà ánh hoàng hôn dần trôi xuống sau dãy núi trập trùng, cũng là lúc bầu trời trong vắt khoác lên mình chiếc áo vàng cam óng ả, ánh nắng ất lại hắt nhẹ lên dòng nước xanh rì, tạo nên một khung cảnh hài hòa như tranh vẽ. Một điều mà nhiều người ưa thích ở đồi Vọng Cảnh còn là sự yên tĩnh, không có quá nhiều tiếng ồn từ xe cộ và cả khách ghé chân.
Hoàng hôn đồi Vọng Cảnh thừa sức làm nao lòng những trái tim yêu Huế (hình: Lanhue.com)
Đạp xe ở Rú Chá
“Sắc màu” độc nhất của Rú Chá khi vào thu (hình: Vnexpress)
Rú Chá là rừng ngập mặn nguyên sinh thuộc địa phận làng Thuận Hòa, Hương Trà. Rú là rừng, chá là cây chá. Rú Chá là khu rừng có nhiều cây chá sinh sống, mọc dày đặc, như một tấm bình phong che chắn cho đất liền trước cửa biển Thuận An. Men theo lối mòn của các đìa nuôi tôm trong Rú Chá cũng chính là mở đầu cho chuyến khám phá khu rừng nguyên sinh duy nhất còn lại ở vùng phá Tam Giang.
Nói Rú Chá nao lòng nhất vào mùa thu chẳng sai, bởi lẽ cứ tháng 7, 8 âm lịch là khi rừng Chá ra hoa, nhìn trên cao hay từ xa nhưng một tấm khảm vàng rực rỡ khổng lồ giữa lòng nước Huế xanh rì. Đứng lên cột trụ giữa lòng rú Chá nhìn xuống cứ ngỡ mình đang nằm trên một thảm cỏ vàng thơ mộng và trữ tình. Khí trời mùa thu mát mẻ cũng tạo điều kiện để nhiều người đạp xe thưởng ngoạn.
Vi vu phá Tam Giang
Phá Tam Giang là nơi mà khoảnh khắc bình minh hay hoàng hôn đều có thể chinh phục lòng người. Với diện tích trải dài khoảng hơn 52km2, đây được coi là khu vực đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á với tính đa dạng sinh học cao. Không chỉ vậy, khu vực ven đầm phá còn là nơi sinh sống của hàng chục ngàn người sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Đầu thu cũng là khoảng thời gian ngư dân trên phá bắt đầu đánh bắt và kéo lướt để phòng mùa bão lụt ập đến. Vì thế, hoạt động trên phá vào mỗi sáng cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Đặc biệt là từ khoảng 4-6h sáng, khi mà ai đấy cũng nhanh tay đánh bắt cho kịp giờ bán ở chợ. Theo chân những ghe, đò đánh bắt cá sáng sớm là cơ hội để bạn được nhìn ngắm đầm phá rực hồng vào mỗi bình minh, Đâu chỉ vậy, nếu quay lại đây vào buổi chiều tà, bạn còn được nhìn ngắm một khoảng trời vàng ươm đẹp đẽ của hoàng hôn trên đầm phá.
Phá Tam Giang rực rỡ vào cả bình minh hay hoàng hôn (Hình: Alexnguyen)
Chợ, chợ và chợ
Ở Huế, chẳng khó để tìm một ngôi chợ. Từ trung tâm đến ven biển, từ nội đô đến ngoại ô, đâu đâu cũng thấy chợ. Để hiểu văn hóa của một vùng đất, thì có lẽ chẳng có nơi nào phù hợp hơn chợ. Đó là nơi mà bản hòa ca của giọng nói, của tầng lớp, của hàng hóa,… xen lẫn vào nhau, chộn rộn nhưng thống nhất, ồn ào nhưng sinh động. Chợ ở Huế còn là thiên đường ẩm thực mà bất cứ ai cũng sẽ bị đánh gục. Từ xôi bắp chợ An Cựu, đến bánh bèo chợ Tây Lộc, rồi bánh ướt thịt nướng chợ Bao Vinh, bánh khoái cá kình ở chợ Làng Chuồn, bún bò Huế chợ Đông Ba,… chừng ấy thôi cũng đủ thấy muôn hình vạn trạng ở chợ xứ Huế.
Làm bạn với thanh trà
Thanh trà là món đặc sản thanh tao của cố đô (hình: @lanchi)
Ở Huế còn có thức quà đặc sản tao nhã khác là thanh trà và thanh du. Thoạt nhìn thì ngỡ là bưởi nhưng vị thanh dịu và ít chua hơn bưởi. Trái thanh trà nhỏ và không mọng nước như bưởi nhưng lại thơm ngon, ngọt thanh, đượm vị. Theo tư liệu lịch sử, dưới thời Nguyễn, hàng năm, trái thanh trà – một đặc sản nổi tiếng của phủ Thừa Thiên – đều được tuyển chọn kỹ càng để dâng tiến vào cung vua. Thanh trà cuối mùa thường nhỏ gọn bằng lòng bàn tay, đôi lúc nhìn xa còn dễ nhầm với trái cam sành. Dịp tết trung thu ở Huế, thanh trà là thức quả vừa vặn và chỉn chu nhất cho một bàn tiệc trà bánh dưới ánh trăng.
Thanh trà thường được tính theo trái, mỗi lần mua là hàng chục trái về để dành ăn dần cho ngay cả khi hết mùa. Nhiều người Huế đùa rằng vị ngon không trộn lẫn của thức quà là món quà từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên như hạn hán, bão lũ, mưa dầm cộng với chất đất tươi tối bãi bồi và nguồn nước sông Hương mát lành.