Tuyến giáp có chức năng gì? Vai trò của hormone tuyến giáp đối với cơ thể

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng một lần được nghe nhắc về các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp, tuy nhiên không phải ai cũng biết tuyến giáp là gì, vị trí nằm ở đâu và có chức năng như thế nào. Chính vì vậy, bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về tuyến nội tiết này cũng như các vai trò quan trọng của nó đối với cơ thể.

Theo giải phẫu học, tuyến giáp là một cơ quan nhỏ có hình dạng giống một con bướm nằm ở phía trước cổ, ngay dưới thanh quản. Cơ quan này gồm có 2 thùy nằm ở hai bên khí quản là thùy trái và thùy phải, chúng được nối với nhau bởi eo tuyến giáp. Bình thường, không thể nhìn thấy cơ quan này từ bên ngoài, đồng thời cũng không cảm nhận được ngay cả khi dùng ngón tay ấn vào.

Tuyến giáp có chức năng gì?

Hệ thống nội tiết của cơ thể bao gồm 9 cơ quan, mỗi cơ quan sẽ đảm nhận các chức năng khác nhau. Vậy thì tuyến giáp có chức năng gì mà lại được xem là tuyến nội tiết lớn nhất?

Tế bào tuyến giáp là tế bào duy nhất trong cơ thể có thể hấp thụ i-ốt. Vì vậy, chức năng chính của cơ quan này là tổng hợp i-ốt từ nguồn thực phẩm mà chúng ta ăn vào, từ đó chuyển hóa tạo thành các hormone tuyến giáp (hay còn gọi là hormone giáp trạng) thông qua việc gắn với acid amin tyrosine. Hormone giáp trạng gồm có thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3).

Sau khi được tạo thành, hormone giáp trạng sẽ phóng thích vào máu và được vận chuyển khắp cơ thể nhằm mục đích thực hiện một loạt các nhiệm vụ quan trọng. Khi các hormone này được sử dụng, một lượng i-ốt có trong hormone sẽ giải phóng ra và được tuyến giáp hấp thụ ngược trở lại để tạo ra nhiều hormone giáp hơn. Ngoài ra, cơ quan này còn sản xuất hormone calcitonin, có tác dụng vận chuyển canxi vào xương để góp phần tăng cường sức mạnh cho xương.

Tuyến yên là cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát việc sản xuất hormone của tuyến giáp. Khi mức độ hormone T3 và T4 giảm xuống quá thấp, tuyến yên sẽ bài tiết hormone kích thích tuyến giáp (TSH) để thúc đẩy tuyến giáp làm việc. Dưới tác động của TSH, tuyến giáp sẽ sản xuất T3 và T4 nhiều hơn, do đó làm tăng nồng độ hormone giáp trong máu. Lúc này, tuyến yên sẽ phản ứng bằng cách giảm tiết TSH để duy trì ổn định mức hormone tuyến giáp.

Bên cạnh đó, còn một tác nhân khác cũng tham gia vào quá trình này, đó là vùng dưới đồi. Đây là nơi trực tiếp nhận tín hiệu về tình trạng nồng độ các hormone giáp trạng trong máu, sau đó truyền thông tin về tuyến yên. Vùng dưới đồi có nhiệm vụ tiết ra hormone giải phóng TSH (TRH) để kích thích tuyến yên sản xuất TSH khi cơ thể có nhu cầu cần thêm hormone giáp trạng, và ngược lại khi cơ thể đang thừa hormone giáp trạng thì vùng dưới đồi sẽ ức chế hormone TRH. Toàn bộ hệ thống này được gọi là trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến giáp, giúp điều hòa những thay đổi bên trong cũng như đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Các hormone tuyến giáp và vai trò của nó đối với cơ thể

Tuyến giáp bình thường sản xuất khoảng 80% T4 và khoảng 20% ​​T3. Tuy nhiên, hormone T3 sở hữu “sức mạnh” gấp 4 lần so với T4. Chính vì vậy sau khi được phóng thích ra khỏi tuyến giáp, dưới tác động của một số enzym trong các mô như gan hoặc thận, hormone T4 có thể biến đổi thành T3 để hoạt động. Mọi tế bào trong cơ thể đều phụ thuộc vào hormone tuyến giáp để điều hòa sự trao đổi chất. Dưới đây là một số vai trò quan trọng của hormone tuyến giáp đối với cơ thể:

  • Kích thích hoạt động của tim, tăng cường sự co bóp, tăng hô hấp để cung cấp oxy cho sự chuyển hóa ở các mô
  • Tăng cường hoạt động của não bộ và hoàn thiện hệ thần kinh
  • Điều hòa thân nhiệt
  • Duy trì cân nặng của cơ thể
  • Thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, kích thích sự sinh trưởng phát dục
  • Tác động đến sự phát triển và hoạt động của tuyến sinh dục và tuyến sữa
  • Tăng cường chuyển hóa glucid gây tăng đường huyết
  • Tăng cường chuyển hóa lipid tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động
  • Điều tiết và duy trì lượng photpho, canxi trong máu luôn ở nồng độ 1%
  • Tăng cường sức mạnh cơ xương cũng như kích thích sự phát triển của da, tóc và móng

Các vấn đề thường xảy ra với hormone tuyến giáp

Mặc dù rất cần thiết cho cơ thể, tuy nhiên nồng độ các hormone tuyến giáp trong máu phải được duy trì ở mức ổn định. Nếu quá dư thừa hoặc thiếu hụt lượng hormone này sẽ gây nên một số tình trạng bất thường đối với cơ thể. Trong đó, thường gặp nhất là bệnh cường giáp và suy giáp.

Cường giáp

Đây là tình trạng tuyến giáp tăng hoạt động sản xuất, một lượng lớn hormone giáp được đưa vào máu dẫn đến dư thừa. Bệnh lý này có triệu chứng rất đa dạng và xảy ra trên toàn bộ cơ thể. Mỗi bệnh nhân sẽ có biểu hiện cường giáp khác nhau và mức độ nặng, nhẹ phụ thuộc vào lượng hormone giáp trong máu người bệnh.

Các triệu chứng có thể diễn biến từ từ hoặc đột ngột, xảy ra ở mức độ trung bình hoặc đôi khi rất trầm trọng gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh. Các triệu chứng điển hình gồm:

  • Giảm cân mặc dù tăng cảm giác đói và ăn nhiều
  • Tăng động, luôn tràn đầy năng lượng và cảm thấy khó ngồi yên
  • Tâm trạng bất ổn, khó tập trung, luôn lo lắng và dễ cáu gắt
  • Cảm giác mệt mỏi suốt cả ngày
  • Da nóng ẩm và đổ nhiều mồ hôi
  • Tăng thân nhiệt, nhạy cảm với nhiệt độ cao (sợ nóng)
  • Yếu cơ, co giật, run rẩy ở 2 tay
  • Nhịp tim nhanh bất thường, huyết áp tăng
  • Khó ngủ, mất ngủ
  • Tóc mỏng và thưa do rụng tóc nhiều
  • Tiểu nhiều và tiêu chảy
  • Rối loạn kinh nguyệt, chậm kinh hoặc mất kinh
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng
  • Có thể sờ thấy vùng cổ sưng phù do tuyến giáp phát triển lớn hơn

Hormone T3 và T4 trong máu tăng cao vì bất cứ nguyên nhân nào cũng sẽ gây bệnh cường giáp. Nguyên nhân có thể do cơ thể đã dung nạp quá nhiều i-ốt hoặc do một vài bệnh lý khác như bệnh tự miễn basedow (bệnh Graves’), viêm tuyến giáp, bướu giáp đa nhân, u độc tuyến giáp,…

Ngoài các nguyên nhân trên, đôi khi bạn có thể gặp tình trạng cường giáp nếu đang dùng các thuốc có chứa i-ốt như amiodarone (dùng cho người bị rối loạn nhịp tim). Tuy nhiên, bệnh cường giáp do thuốc sẽ từ từ chấm dứt khi bệnh nhân ngừng thuốc và mức hormone giáp trong máu sẽ trở về bình thường sau vài tháng.

Suy giáp

Trái ngược với cường giáp, uy giáp được hình thành khi tuyến giáp suy giảm chức năng dẫn đến thiếu hụt sự tổng hợp và giải phóng hormone T3 và T4. Nguyên nhân suy giáp có thể do bẩm sinh, giảm khẩu phần ăn chứa i-ốt, viêm giáp Hashimoto, cắt tuyến giáp, sử dụng các thuốc kháng giáp trạng (thiamazole) hoặc rối loạn chức năng tuyến yên, chẳng hạn như khối u hoặc viêm tuyến yên.

Suy giáp và cường giáp là 2 bệnh lý có cơ chế đối lập nhau, chính vì thế các biểu hiện của suy giáp cũng ngược lại so với cường giáp, cụ thể như sau:

  • Tăng cân nhanh, mặc dù ăn không ngon miệng
  • Cơ thể chậm chạp, có thể trầm cảm
  • Giảm trí nhớ, khả năng tư duy kém
  • Thường cảm thấy mệt mỏi
  • Da lạnh, tái xanh và khô ráp
  • Giảm thân nhiệt, nhạy cảm với nhiệt độ lạnh
  • Đau khớp và các cơ
  • Nhịp tim giảm, huyết áp thấp
  • Thường xuyên buồn ngủ
  • Tóc khô, thưa và mọc chậm
  • Tiểu ít và táo bón
  • Kinh nguyệt nhiều bất thường, rong kinh
  • Sưng phù quanh mắt, giảm vận động mi mắt
  • Giọng khàn và trầm hơn
  • Suy giảm chức năng sinh dục ở cả nam và nữ

Các bệnh lý liên quan đến hormone tuyến giáp có thể xảy ra ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, theo nghiên cứu thì phụ nữ có nguy cơ mắc các vấn đề này cao hơn nam giới từ 5 đến 8 lần. Bên cạnh đó thì dinh dưỡng cũng có ảnh hưởng rất lớn, do đó một chế độ ăn uống dinh dưỡng, duy trì đầy đủ lượng i-ốt nạp vào có thể đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho hoạt động của tuyến giáp.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *