Bất kỳ ai trong chúng ta hẳn đã từng gặp phải triệu chứng tim đập nhanh ít nhất 1 lần trong đời. Vậy, triệu chứng này có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách phòng ngừa trong từng trường hợp? Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Đừng bao giờ xem thường triệu chứng tim đập nhanh bởi rất có thể nó là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn. Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây nhé!
Triệu chứng tim đập nhanh biểu hiện như thế nào?
Triệu chứng tim đập nhanh là cảm giác tim đập mạnh, rung rinh hoặc đập loạn nhịp một cách bất thường trong khoảng vài giây cho đến vài phút. Bạn cũng có thể cảm thấy tim đập nhanh ở cổ hoặc ngực. Tình trạng này có thể xảy ra ngay cả khi đang hoạt động hoặc lúc nghỉ ngơi.
Mặc dù triệu chứng tim đập nhanh thường vô hại nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, chúng có thể là triệu chứng của tình trạng tim nguy hiểm hơn. Chẳng hạn như: nhịp tim không đều (rối loạn nhịp tim), bệnh cơ tim, bệnh tuyến giáp, bệnh van tim… và có thể cần được điều trị.
Nguyên nhân gây ra các triệu chứng tim đập nhanh
Một số nguyên nhân sau đây có thể kích hoạt hiện tượng tim đập nhanh bất thường:
- Lối sống
Các tác nhân phổ biến trong lối sống có thể gây ra hiện tượng tim đập nhanh có thể bao gồm:
- Tập thể dục quá sức
- Thiếu ngủ
- Sử dụng đồ uống có chứa caffeine, chẳng hạn như cà phê, trà và nước tăng lực
- Uống rượu
- Hút thuốc
- Sử dụng ma túy bất hợp pháp, chẳng hạn như: cocaine, heroin, amphetamine, thuốc lắc và cần sa.
- Ăn các thức ăn nhiều gia vị.
Trong những trường hợp này, hiện tượng tim đập nhanh có thể tự biến mất. Việc bạn cần làm là tránh hoặc hạn chế những tác nhân kích hoạt này để giúp ngăn ngừa tình trạng tim đập nhanh có thể trở lại.
Vấn đề về tâm lý
Triệu chứng hồi hộp tim đập nhanh cũng thường là do cảm xúc hoặc các vấn đề tâm lý, chẳng hạn như:
- Phấn khích tột độ
- Căng thẳng hoặc lo lắng
- Cơn hoảng sợ thường đi kèm với cảm giác lo lắng hoặc sợ hãi, kéo theo sự mệt mỏi, đổ đổ mồ hôi, run rẩy và tim đập nhanh
- Rối loạn lo âu
- Phiền muộn
Bạn có thể thực hiện các bài tập thở, học cách kiểm soát cảm xúc, giảm stress mỗi khi cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc hoảng sợ để phòng ngừa tim đập nhanh tái phát.
Các loại thuốc
Nguyên nhân gây ra triệu chứng tim đập nhanh đôi khi có thể do một số loại thuốc, bao gồm:
- Thuốc hen suyễn, chẳng hạn như: salbutamol và ipratropium bromide
- Thuốc cao huyết áp (tăng huyết áp) chẳng hạn như: hydralazine và minoxidil
- Thuốc kháng histamine chẳng hạn như: terfenadine
- Thuốc kháng sinh chẳng hạn như: clarithromycin và erythromycin
- Thuốc chống trầm cảm chẳng hạn như: citalopram và escitalopram
- Thuốc chống nấm chẳng hạn như: itraconazole
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị nếu bạn nghĩ rằng một loại thuốc có thể khiến tim đập nhanh. Tuyệt đối không được tự ý ngừng dùng thuốc theo chỉ định mà không hỏi thầy thuốc.
Thay đổi nội tiết tố
Tim đập nhanh ở phụ nữ đôi khi có thể là do sự thay đổi nội tiết tố xảy ra bên trong cơ thể có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc thời kỳ mãn kinh. Trong những trường hợp này, hiện tượng tim đập nhanh thường là tạm thời và không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Vấn đề về tim
Triệu chứng tim đập nhanh cũng có thể là do rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như:
- Nhịp tim nhanh trên thất: Nhịp tim nhanh bất thường bắt nguồn từ trên tâm thất (buồng tim dưới). Nó có thể khiến tim đập rất nhanh thất thường, mạch nhanh và chóng mặt.
- Rung tâm nhĩ: Đây là loại rối loạn nhịp tim phổ biến và cực kỳ nguy hiểm. Rung nhĩ có thể dẫn đến nhịp tim nhanh và không đều, gây cản trở lưu lượng máu đến tâm thất và dẫn đến tình trạng đông máu nghiêm trọng hoặc đột quỵ.
- Cuồng nhĩ: nhịp tim rất nhanh và không đều, cung lượng tim giảm gây triệu chứng khó thở, khó chịu ở ngực, suy nhược, ngất.
- Nhịp nhanh thất: Đây là một tình trạng nghiêm trọng hơn, bắt nguồn từ tâm thất (buồng tim dưới). Khi kết hợp với các vấn đề trong cấu trúc tim, rối loạn nhịp tim này có thể gây mất ý thức và trong một số trường hợp có thể dẫn đến ngừng tim hoặc đột tử.
Ngoài ra, triệu chứng tim đập nhanh cũng có thể liên quan đến các vấn đề về tim khác, chẳng hạn như:
- Một vấn đề với van tim, chẳng hạn như sa van hai lá.
- Bệnh cơ tim phì đại là tình trạng cơ tim và thành tim bị phì đại và dày lên.
- Suy tim khiến tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể như bình thường.
- Bệnh tim bẩm sinh với các khiếm khuyết trong cấu trúc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tim.
- Từng bị đau tim hoặc phẫu thuật tim trước đó.
- Hầu hết các vấn đề về tim này đều cần được theo dõi và điều trị.
Các bệnh lý khác
Các tình trạng bệnh lý khác có thể gây ra triệu chứng khó thở tim đập nhanh bao gồm:
- Sốt
- Mất nước
- Huyết áp thấp gây ra tình trạng chóng mặt, tim đập nhanh khi thay đổi tư thế (chẳng hạn như đứng lên).
- Hạ đường huyết đột ngột, thường gặp trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường.
- Tuyến giáp hoạt động quá mức và sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp) hoặc quá ít hormone tuyến giáp (suy giáp).
- Các loại thiếu máu có thể làm ảnh hưởng đến các tế bào hồng cầu trong cơ thể.
Triệu chứng tim đập nhanh như thế nào thì cần đến gặp bác sĩ?
Tim đập nhanh chỉ kéo dài vài giây và thỉnh thoảng mới xảy ra thường không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn có tiền sử bệnh tim và triệu chứng tim đập nhanh xảy ra thường xuyên hoặc trầm trọng hơn, hãy thăm khám sớm để tìm kiếm nguyên nhân và điều trị nếu cần thiết.
Ngoài ra, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức nếu tim đập nhanh thường xuyên kèm theo các triệu chứng sau đây:
- Khó chịu hoặc đau ngực
- Ngất xỉu
- Khó thở nghiêm trọng
- Chóng mặt
- Đổ mồ hôi bất thường
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về triệu chứng tim đập nhanh. Nắm rõ nguyên nhân của tình trạng này bạn sẽ có biện pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe tim mạch một cách hiệu quả.
- Khoai tây và khoai lang loại nào bổ dưỡng và giảm cân tốt hơn? Hóa ra nhiều người nhầm lẫn bấy lâu nay
- Bác sĩ chỉ ra 4 sai lầm khi ăn tối gây hại lớn đến sức khỏe
- Loại quả tưởng chỉ ăn cho vui miệng nhưng lại cực tốt cho sức khỏe
- 6 vấn đề sức khỏe phổ biến khi ngủ dưới điều hòa
- Thuốc chữa suy thận tốt nhất