Thật đẹp khi bạn đấu tranh cho những sinh mệnh yếu thế và không có tiếng nói

Kể từ khi đại dịch làm thay đổi cuộc sống của chúng ta, vấn đề về phúc lợi động vật (animal welfare), đã được đặt trên bàn cân thảo luận rất nhiều khi thú nuôi có khả năng cao bị bỏ rơi vì dịch bệnh.

Mới đây, hành trình hồi hương của một đại gia đình 4 người và 16 thú cưng (14 chú chó, 1 chó con đã được chủ cho đi trên đường đi và 1 mèo) vượt qua 300km đi xe máy từ Long An tới Cà Mau, đã thu hút lượng lớn sự quan tâm trên nhiều phương tiện truyền thông. Niềm vui cập bến an toàn tới trạm y tế tại Cà Mau chưa được bao lâu thì gia đình nhận phải kết quả dương tính với COVID-19. Đối với đàn chó mèo, ban quản lý trạm cho rằng những người nuôi không quản lý được vật nuôi sẽ dễ làm lây lan dịch bệnh. Vì không đưa ra được giải pháp tối ưu để xử lý vấn đề, lãnh đạo ở đây đã chọn cách mà họ cho là dễ dàng hơn: tiêu hủy đàn chó mèo 15 con. Quyết định này đã tạo nên nhiều tranh cãi trái chiều trong cộng đồng.

Hình ảnh 15 chú chó mèo cùng “ba mẹ” trên hành trình về quê tránh dịch.

Thông thường, việc mang đến cái chết cho con vật sẽ thích đáng và nhân đạo khi sức khỏe của chúng suy giảm nghiêm trọng, hoặc khi chúng đang phải trải qua những đau đớn tột cùng. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đối với động vật nuôi bị giết khi còn trẻ và khỏe mạnh. Đó là chưa kể đến hình thức giết hại có giảm đến tối thiểu mức độ đau đớn cho chúng hay không.

“Sự vĩ đại và những tiến bộ về đạo đức của một nước có thể nhìn thấy qua cách đối xử mà (người dân của) quốc gia ấy dành cho các loài vật.” – Mahatma Gandhi

Đặt sự việc trong tình cảnh dịch bệnh tính đến nay, mỗi quốc gia có một cách tiếp cận, xử lý vật nuôi của người nhiễm bệnh khác nhau. Tại Hàn Quốc, thú nuôi sẽ được xét nghiệm miễn phí trên diện rộng. Thú nuôi nhiễm bệnh sẽ được yêu cầu cách ly tại gia hoặc tại khu riêng biệt. Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ, có ít bằng chứng cho thấy vật nuôi (chó, mèo) đóng vai trò lớn trong việc lây lan virus COVID-19, trong đó đa số những trường hợp ghi nhận được về vật nuôi nhiễm COVID-19 đều có nguồn lây là từ con người. Các trường hợp lây lan từ động vật sang người cũng rất hiếm xảy ra, nhất là sau khi khử trùng cẩn thận bề mặt lông dễ tiếp xúc giữa người và động vật.

Theo như SMCP đưa tin, chuyên gia thú y của Hong Kong sau khi thử nghiệm 54 con vật (chó, mèo và hamster) dương tính với COVID-19 đã được cách ly và theo dõi từ tháng 2 tới tháng 9, cũng đưa ra kết luận tương tự rằng vật nuôi rất khó nhiễm bệnh và lây sang người. Đa số vật nuôi sau khi xét nghiệm có kết quả âm tính và không chứa virut lây bệnh đều đã được trả về với chủ.

Các trường hợp lây lan virus từ động vật sang người cũng rất hiếm xảy ra, nhất là sau khi khử trùng cẩn thận bề mặt lông dễ tiếp xúc giữa người và động vật.

Chúng ta đã trải qua nhiều đợt bùng nổ dịch và không phải chưa từng có cách giải quyết với vấn đề tương tự. Vật nuôi của người nhiễm bệnh thường sẽ được cách ly tại nhà hoặc gửi cho người thân và bạn bè chăm sóc sau khi khử trùng cẩn thận. Quyết định xử lý vật nuôi ra sao cũng phải được sự cho phép của chủ. Tại Việt Nam, điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ – CP quy định rằng động vật đem đi tiêu hủy phải mang mầm bệnh; chết do bệnh, mẫn cảm với bệnh dịch. Ngoài ra, bệnh dịch này cũng phải được quy định rõ trong danh mục bệnh động vật (ví dụ như cúm gà H5N1, cúm lợn H1N1).

Trong khi chúng ta tranh cãi chuyện đàn chó bị tiêu huỷ, có nhiều ý kiến cho rằng “vì sao với con số hơn 20.000 đồng bào đã tử vong, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về số ca tử vong/1ngày, người ta chỉ quan tâm đến 15 con chó bị tiêu hủy.” Nếu nhìn nhận một cách khách quan, lập luận này khá quy chụp vì rõ ràng người ta có thể chọn thương xót cho cả hai. Điều mà mọi người đang đấu tranh cho 15 chú chó không phải vì họ không quan tâm đến những cảnh người sinh ly tử biệt ngoài kia, mà họ đang đấu tranh cho những sinh mệnh đáng được sống, nhất là những sinh mệnh yếu thế và không có tiếng nói.

Thêm nữa, việc hi sinh thêm sinh mạng trong khi chưa có bằng chứng nào cho thấy sẽ giúp tình hình khắc phục dịch bệnh trở nên khả quan hơn là điều rất đáng trách. Việc thú nuôi, những con vật lành tính, luôn gắn liền với cuộc sống con người không phải là điều gì xa lạ. Đối với một số người, thú nuôi còn đóng vai trò như người thân và chỗ dựa tinh thần. Nếu những người khác có quyền đau khổ vì người thân ra đi, thì những chủ nuôi thú hoàn toàn có quyền đau xót khi những “đứa con” mình nuôi nấng hàng ngày bị tước đoạt khỏi vòng tay và ra đi đầy nuối tiếc.

Tại các nước phát triển, bảo vệ quyền lợi động vật là trách nhiệm của con người, bao gồm sự quan tâm tới tất cả các mặt liên quan đến sức khoẻ động vật và đối xử nhân đạo với chúng. Việc động vật được đối xử thế nào có ý nghĩa lớn tới cả động vật và cả con người. Chính vì thế Liên hiệp quốc đang trong quá trình tiến tới thông qua một Tuyên ngôn chung về quyền lợi động vật nhằm khuyến khích các chính phủ và cơ quan liên chính phủ trên toàn thế giới hành động để mang lại lợi ích cho động vật và người nuôi.

Trên thực tế, vật nuôi đang đóng vai trò hữu ích trong cuộc sống của con người như làm giảm tình trạng trầm cảm. Suy ra, việc đối xử tàn tệ với động vật bằng nhiều cách có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe đối với con người. Bên cạnh đó, thái độ và cách cư xử với động vật là một khía cạnh có ý nghĩa trong sự phát triển của nhân cách, xã hội và đạo đức. Không có một nền giáo dục nào thực sự tốt nếu như nó không làm cho con người có tình thương với động vật.

Con người ngày càng lệ thuộc vào thú cưng nuôi trong nhà, họ cũng đặt yêu cầu cao hơn về cách cư xử và cần được hướng dẫn để hiểu và để xây dựng mối quan hệ với thú cưng của họ. Mặt khác, tập tính của thú cưng cũng có nhiều thay đổi. Ngày nay, con người sống đơn độc nhiều hơn và sử dụng chó và vật cưng khác như thành viên gia đình, từ đó, vô tình làm giảm hoạt động và nhu cầu tự nhiên của chúng. Thực ra trong nhiều nghiên cứu khoa học, động vật cũng có những cảm giác giống như con người: vui vẻ và đau đớn, thoải mái và cơ cực. Bởi vậy, quan niệm coi thú nuôi như một sinh vật vô tri vô giác cần được thay đổi. Không thể phủ nhận những chú chó, mèo,… đang ở bên cạnh chúng ta đang đóng góp tích cực vào một phần của cuộc sống. Giống như cây xanh cần được bảo tồn và nhân rộng, những con vật được xem là “thú cưng” cũng có quyền được hưởng lợi ích và bảo vệ.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *