Nhà tự nhiên học Darwin từng nói “Giống loài mạnh nhất sống sót không phải là loài thông minh nhất mà là loài có thể thích ứng tốt nhất với sự thay đổi.” Để sống sót trong thời đại mới, trau dồi kiến thức mới là không đủ, bạn còn cần học cách “unlearn” bản thân tìm ra hướng đi mới.
Ảnh: nytimes
Khi đại dịch vẫn đang diễn biến khó lường ở Việt Nam và trên thế giới, những điều mà chúng ta từng tin tưởng giờ đây được thử thách liên tục. Từ đó tạo nhu cầu cấp thiết phải nhìn vấn đề theo chiều hướng mới, đồng thời chứng minh rằng mình có thể thay đổi và thích nghi nhanh hơn để theo kịp với sự thay đổi đó.
Hãy thử nhìn lại lần cuối bạn tiếp thu một kiến thức mới, cách mà bạn tiếp cận thông thường sẽ là tìm kiếm thứ mình muốn học, với tràn đầy năng lượng và đam mê, sau đó là áp dụng những kiến thức thành thói quen hàng ngày và gắn liền với nó.
Sẽ không có gì đáng nói nếu bỗng xuất hiện một sự thay đổi đột ngột. Cách bạn tiếp nhận kiến thức giờ không còn phù hợp nữa. Cuộc sống thay đổi nhanh hơn, kiến thức và kĩ năng có thể trở nên lỗi thời cực kỳ nhanh chóng. Theo WEF, thời gian làm việc cả đời cho một công việc duy nhất giờ đây gần như đã biến mất, thay vào đó là con số trung bình là 4,2 năm cho một công việc. Điều đó đồng nghĩa với việc những kĩ năng công việc cần được cập nhật liên tục sau 2-3 năm, thậm chí là hàng năm để đảm bảo giá trị cho các cá nhân.
Những cá nhân, tổ chức không thích nghi kịp với sự thay đổi trong công nghệ, kinh tế và hoàn cảnh xã hội sẽ bị bỏ lại phía xa. Để ở lại cuộc chơi, bạn cần đảm bảo tính được giá trị hiện hữu và liên quan, sẵng sàng loại bỏ hoàn toàn cái cũ nếu cần thiết. Biết (learn) không là không đủ, mà cần phải học cách để phá bỏ cái cũ đi tạo cái mới (unlearn).
Ảnh: dropbox blog
Unlearn có phải là tư duy “đập đi xây mới”?
Để hiểu hơn về unlearn, chúng ta xem xét hai góc nhìn về việc tiếp thu kiến thức. Góc nhìn thứ nhất đã được nhắc đến ở phần trên, tức là thích cái gì thì học cái đó. Cách này giống như bạn đang đi sưu tầm đồ chơi. Bạn muốn thu thập nhiều nhất có thể, phần lớn vì mục đích xây dựng hồ sơ cá nhân thêm lung linh và muốn gây ấn tượng cho người khác. Đây cũng là giai đoạn bạn tiếp thu những sự thật, ý tưởng về thế giới.
Trong khi đó, unlearning là góc nhìn mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã biết về thế giới nhưng thực tế là chúng ta không biết. Những ý tưởng, triết lý sống có thể trở nên lạ lùng và gây hứng thú buộc chúng ta phải tự vấn. “Liệu điều mình đã từng biết có thật sự đúng hoàn toàn?”
Barry O’Reilly định nghĩa về Unlearn như sau : “Unlearn là quy trình loại bỏ, đập đi và tái tạo những tư duy hay hành vi từng hiệu quả trong quá khứ nhưng hạn chế thành công của chúng ta.”
Về cơ bản, bước đầu tiên để unlearn là bạn cần bỏ đi tư duy cố hữu mà bạn tưởng rằng bạn đã hiểu để tạo ra một cách nhìn mới. Những gì bạn từng tin là đúng giờ có thể không còn tồn tại. Nhưng quy trình để unlearn chưa bao giờ là dễ dàng, con người thường cảm thấy không thoải mái với những thay đổi và unlearn cũng vậy.
Một ví dụ về unlearn: bạn tin rằng mô hình làm việc từ xa (work from home) không thể được triển khai hiệu quả vì chúng khiến cho năng suất làm việc của bạn giảm, nhưng bạn biết được rằng các doanh nghiệp đang số hoá mạnh mẽ kéo theo là rất nhiều giải pháp linh hoạt sáng tạo đảm bảo năng suất làm việc từ xa, bạn quyết định tin tưởng và cân nhắc lựa chọn hướng làm việc WFH cho công việc sắp tới.
Dù cần đánh giá lại cách làm cũ nhưng unlearn không cần thiết phải là tư duy đập đi xây mới. Barry O’reilly đã viết trong cuốn “Unlearn: Let Go of Past Success to Achieve Extraordinary Results” của mình rằng
“Unlearn không phải là quên đi, loại bỏ hoặc từ chối các kiến thức và trải nghiệm. Đó là một hành động có nhận thức của việc bỏ đi những thông tin không còn phù hợp nữa, tiếp nhận một cách năng nỏ các thông tin mới để đưa ra những hành động và ra quyết định hiệu quả.”
Chúng ta có thể phủ nhận hoàn toàn một ý tưởng cũ khi unlearn, nhưng cũng có thể unlearn chỉ là một sự điều chỉnh nho nhỏ cái cũ. Sự phủ nhận hoàn toàn trong thực tế không diễn ra một cách tuyệt đối, bởi não bộ vẫn luôn lưu trữ những trải nghiệm trong quá khứ. Ở đây sự linh hoạt là quan trọng hơn việc chứng minh một sự việc chỉ có hai mặt trắng – đen rõ ràng.
Ảnh: medium
Làm thế nào để unlearn dễ hơn?
Trong khoa học thần kinh, sự thay đổi thường diễn ra dễ dàng hơn khi con người phải đối diện với một sự chuyển giao lớn trong mang tính “đột phá” (disruptive) trong đời. Đó có thể là bắt đầu một sự nghiệp mới, thay đổi nơi sống, kết hôn và có con. Khủng hoảng cũng là một cơ hội lý tưởng cho những thay đổi. Ngay bây giờ, đại dịch cũng là một cơ hội để bạn phá vỡ những cái cũ, thiết lập cái mới để tìm ra hướng đi cho mình sau này.
Dưới đây là những lời khuyên để bắt đầu làm quen với unlearn:
1. Rèn luyện tư duy phát triển: nếu bạn là người có xu hướng tư duy cố định (fixed mindset) và thường phủ định khả năng của bản thân thì tư duy phát triển (growth mindset) với niềm tin “tôi có thể khả năng làm được thông qua những nỗ lực và cố gắng” là cách bạn bắt đầu học cách unlearn tốt nhất.
2. Giữ tâm thế của một người mới học: một khi quyết định unlearn bạn cần chấp nhận và không ngần ngại để trở thành beginner, một người học hoàn toàn mới một lần nữa. Hãy dẹp những kinh nghiệm, trải nghiệm mà mình đã từng làm sang một bên, bạn cần “brainwash”, tẩy não bản thân để có thể tiếp nhận góc nhìn mới đột phá.
3. Nhưng cũng cần đảm bảo quá trình unlearn an toàn: bạn không cần phải thay đổi đột ngột như xin nghỉ việc ngay lập tức để khởi nghiệp, hay quyết định sinh con ngay sau ngày cưới. Điều quan trọng ở đây là tạo ra môi trường unlearn an toàn về mặt tâm lý, kinh tế và tài chính để bạn không gặp phải những căng thẳng không đáng có.
4. Du lịch là một cách tuyệt vời để unlearn: Sự tiếp xúc với văn hoá, con người, ngôn ngữ hoàn toàn mới sẽ tạo ra những câu hỏi mới cho bạn nhìn lại bản thân. Những trải nghiệm đủ sâu sẽ thách thức những kiến thức bạn đã từng biết.
5. Đa dạng trải nghiệm sống: cách tiếp cận với unlearn cuối cùng mà có lẽ là tuyệt vời nhất. Trở nên mạo hiểm, sống mạnh mẽ và đa dạng hơn trong mọi khía cạnh cuộc sống. Những trải nghiệm đột ngột có thể tiềm tàng sự phá huỷ, nhưng việc tránh những rủi ro hiển nhiên (ví dụ như có những thứ gây nghiện bạn không nên thử như cờ bạc, ma tuý…) và có một kế hoạch kĩ lưỡng sẽ giúp các hướng đi trong cuộc sống của bạn được khám phá theo cách bạn chưa từng nghĩ đến. Luôn giữ trong đầu việc unlearn là quá trình khám phá cả đời.