Cho phép cá nhân vận động, tiếp nhận hỗ trợ

   Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết Bộ Tài chính đang hoàn thiện và chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (viết tắt là dự thảo nghị định).

   Trong 13 năm qua, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP đã tạo ra khuôn khổ pháp lý giúp MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố; đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy nghị định này đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi.

   Cụ thể, dự thảo lần này đã bổ sung quy định cá nhân được tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện với 2 phương án. Cá nhân (có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện) thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (hiện vật). Cá nhân cũng thông báo cho chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ về phạm vi, mức, thời gian hỗ trợ, để được phối hợp, hướng dẫn phân phối nguồn đóng góp và bảo đảm an toàn, trật tự xã hội.

   Các khoản do cá nhân vận động quyên góp phải bảo đảm công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu. Bộ Tài chính nhấn mạnh tổ chức, cá nhân được khuyến khích làm việc thiện nguyện, đứng ra kêu gọi nhưng cần bảo đảm quyền lợi của người đóng góp để việc làm từ thiện được hiệu quả, minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

    Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ủng hộ quy định cho phép cá nhân vận động, tiếp nhận và phân phối các nguồn hỗ trợ tự nguyện bởi điều này giúp người chủ trì làm từ thiện có cơ sở để triển khai, an tâm khi vận động các nguồn ủng hộ.

Sớm hoàn thiện quy định về quyên góp từ thiện - Ảnh 1.

Ca sĩ Thủy Tiên trao tiền từ thiện cho người dân miền Trung. (Ảnh từ Facebook của ca sĩ)

Nên quy định thời gian phân phối

    Trao đổi về dự thảo nghị định, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng Bộ Tài chính cần quy định cụ thể trong vòng bao lâu sau khi ngừng tiếp nhận thì phải đi phân phối. Hoặc quy định bên tiếp nhận phải thỏa thuận với bên ủng hộ về thời gian đi phân phối; trường hợp chưa thể đi trao thì cần công khai thông tin để bên ủng hộ nắm được.

    “Công tác cứu trợ là cấp bách, một miếng khi đói bằng một gói khi no. Một số trường hợp, nếu cứu trợ sớm là cứu được một mạng người, nên khi đã đứng ra vận động, tiếp nhận sự ủng hộ thì cần phân phối càng sớm càng tốt” – luật sư Đặng Văn Cường nói.

   Luật sư Đặng Văn Cường cũng kiến nghị Bộ Tài chính cần quy định rõ, ngay từ thời điểm cá nhân đứng ra vận động, phải có bản kế hoạch cụ thể về tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ, thời gian dừng tiếp nhận, địa điểm trao tiền từ thiện và thời gian sẽ trao. Những thông tin này cần được công khai khi kêu gọi để bên ủng hộ nắm được, đồng thời thực hiện vai trò giám sát. Nếu cá nhân không thực hiện theo kế hoạch ban đầu, phải giải trình công khai. “Quy định rõ như thế sẽ hạn chế được tình trạng mập mờ trong vận động, tiếp nhận và trao tiền từ thiện” – luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

   Về phía cơ quan soạn thảo, ông Võ Thành Hưng cho biết không có quy định cứng về thời gian cá nhân phải phân phối nguồn tài trợ tự nguyện. Dự thảo xây dựng theo hướng thỏa thuận giữa bên ủng hộ và bên tiếp nhận để có kế hoạch thống nhất, công khai.

Cần công khai kết quả hỗ trợ

    Góp ý cho dự thảo nghị định, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết trách nhiệm của cá nhân trong quá trình tham gia triển khai công tác cứu trợ là phải đăng ký với chính quyền nơi cư trú về việc tổ chức vận động, quyên góp các nguồn lực hỗ trợ (thời gian vận động, quyên góp, phạm vi quyên góp); công khai kết quả tiếp nhận, báo cáo kết quả tiếp nhận cho chính quyền nơi đăng ký tổ chức vận động, tiếp nhận.

   Khi cá nhân sử dụng nguồn kinh phí, hàng hóa vận động đi hỗ trợ, phải đăng ký với chính quyền hoặc MTTQ Việt Nam nơi dự kiến đến hỗ trợ để thống nhất nội dung, đối tượng, số tiền (hàng hóa) hỗ trợ… Kết thúc việc hỗ trợ phải báo cáo, công khai kết quả.