Nhịp sống “bình thường mới” chắc chắn sẽ không thể thiếu những sự kiện nghệ thuật bắt đầu khởi động trở lại.
Trong tháng 11, người yêu nghệ thuật ở cả Hà Nội và Sài Gòn có cơ hội ghé thăm các triển lãm thú vị, sự kiện văn hóa độc đáo sau khoảng thời gian dài chỉ có thể thưởng lãm nghệ thuật qua màn hình máy tính.
“Ôm khoanh trời cũ”
“Ôm Khoanh Trời Cũ” gồm loạt tranh sơn mài mới nhất của Nguyễn Tuấn Cường- một trong những nghệ sĩ sơn mài xuất sắc của Hà Nội, tiếp nối series tranh tĩnh vật đặc trưng của anh. Vẫn đậm chất thơ, giàu tính tự sự, tuy vậy, các tác phẩm lần này của Cường dường như vượt ra vẻ kín đáo và bình lặng quen thuộc, trở nên thách thức nhiều hơn, khám phá mối tương quan trong không – thời gian và suy ngẫm về những hiện diện – vắng mặt, về hình và về bóng.
“…Quá tĩnh lặng và bé nhỏ, chúng chỉ ở đó, đơn thuần để vạch cho rõ khoảng không trống rỗng bao quanh chúng, và neo giữ ánh nhìn của ta tránh khỏi bị lạc trôi đi mất. Những món đồ gia dụng quen thuộc như bát, lọ, bình, hay đèn dầu, những vật dụng đã tồn tại cả nghìn đời ấy như kéo ta ngược thời gian, trở về thời quá vãng xa xôi nay chỉ còn được gợi nhắc qua vài tục lệ cổ và truyện kể truyền miệng” – trích bài viết cho triển lãm của nghệ sĩ Oanh Phi Phi.
Thời gian: Đến hết tháng 11 (10h00 – 19h00)
Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Ba Đình
Mở cửa tự do
“Lovecore”
Tại trưng bày “Lovecore” của nghệ sĩ AP Nguyễn, một ý vị vừa ngọt ngào đáng yêu, vừa bối rối lạ lẫm cũng xuất hiện. AP mời gọi và chào đón người xem tiến vào kho báu cá nhân mà cô đã tích lũy nhiều năm qua. Ở đó, phơi bày trước ánh nhìn của công chúng, là những đồ vật và trần thuật thuộc mong cầu và ước vọng riêng tư của nghệ sĩ – trong dáng vẻ tột cùng rực rỡ, yểu điệu mong manh, mà cũng không kém phần thuần khiết trung thực.
“Hòn non bộ. Áo dài. Vịnh Hạ Long. Đồ bikini. Karaoke. ‘Việt Nam Quê Hương Tôi’. Xuất hiện trong trưng bày này là những chi tiết thị giác và văn bản (hay chính xác hơn là những đối tượng nghệ thuật mà nghệ sĩ khảo cứu, chất vấn), được lựa chọn từ dự án vẫn đang tiếp tục của AP, bắt đầu từ 2017 – thời điểm cô rời Việt Nam để ra nước ngoài học tập và sinh sống. Hấp thu song đôi hai nền văn hóa, bị thu hút bởi xu hướng thẩm mỹ ‘kitsch’ và ‘camp’, đồng thời say mê tất cả những gì tạm gọi là “quốc hồn quốc túy Việt Nam”, nghệ thuật của AP nằm giữa ký ức cá nhân và tưởng tượng tập thể.” – trích lời giới thiệu của giám tuyển Bill Nguyễn.
Trưng bày mở cửa từ 18h00, thứ Sáu, 29 tháng 10 tới 25.11 (Thứ Ba – Chủ Nhật, 10.00 – 18.00)
Manzi Exhibition Space, số 2 ngõ Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội
Mở cửa tự do
“Viễn cảnh xán lạn”
Triển lãm “Viễn Cảnh Xán Lạn – Nhiếp Ảnh Đức Trẻ 2021” do Matca và viện Goethe Hà Nội hợp tác tổ chức, nhằm giới thiệu những bộ ảnh đã xuất sắc dành chiến thắng trong cuộc thi danh giá nhất tại Đức dành cho tài năng trẻ trong nhiếp ảnh và phản ánh những góc nhìn sắc bén và thử nghiệm táo bạo của nhiếp ảnh Đức đương đại.
43 tác phẩm của 6 nghệ sĩ sẽ đưa ta đến những vùng miền khác biệt, gọi mời những thảo luận về đa dạng vấn đề xã hội và thách thức ranh giới của loại hình nhiếp ảnh. Dự án “Trees” coi cây cối là nhân vật chính, khuếch đại những nét đặc thù của thực vật và mối tương quan với môi trường xung quanh. Dự án “Glowing Eyes” lấy cảm hứng từ giai thoại cổ xưa của cư dân bản địa bên bờ sông Amazon ở Brazil, khắc hoạ cộng đồng thiểu số này với tinh thần hiện thực huyền ảo. “When Emotions Fall Silent” kể câu chuyện của những bệnh nhân đối mặt với chứng rối loạn ăn uống một cách chân thật và xúc động, trong khi “Y A Manifesto” lại mang tới một chân dung tinh nghịch nhưng không kém phần châm biếm của thế hệ gen Y.
Địa điểm: Không gian Nhiếp ảnh Matca, 48 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội
Thời gian: 8:00 – 20:00, 22.10 – 22.11.2021
“KỲ”
Kỳ quan đến từ những điều tưởng ‘kỳ… cục’ nhưng kỳ diệu vô cùng
“Con gái ai cũng ít nhất một lần đau đáu, ngại ngùng che giấu những khuyến điểm trên cơ thể, sự bất tiện của tuổi dậy thì hay những điều thẩm kín mà chỉ con gái mới có. Tại triển lãm ‘KỲ’, thế giới của con gái được mở ra thông qua 5 giác quan: Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Bằng những giác quan trên, người xem khám phá thêm nhiều câu chuyện được lấy cảm hứng từ con gái và thông qua đó gợi lên vẻ đẹp tự nhiên rất riêng của phái nữ.” – theo KỲ
Làm việc trong ngành quảng cáo và sáng tạo hơn 5 năm với vai trò Art Director, Đài Trang luôn đi tìm câu trả lời giải đáp thắc mắc của chính mình: Liệu làm thế nào để có thể đưa nghệ thuật gần gũi với khán giả đại chúng hơn như cách quảng cáo tiếp cận người xem? Làm thế nào để các thành phẩm sáng tạo thực sự có tác động tích cực đến thế giới xung quanh? Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Thiết kế tại Vương quốc Anh với đề tài “Hình ảnh nữ giới trong quảng cáo”, Đài Trang đã tiếp tục triển khai các chủ đề bị xem là khó nói và hạn chế ở nữ giới với triển lãm đầu tay thuộc dự án sáng tạo “Có Gì Đâu” do cô sáng lập. Các tác phẩm của Trang chủ yếu được thực hiện dưới hình thức graphic design và digital illustration.
Thời gian: 11am – 7pm, 25/10 – 7/11/2021
Địa điểm: THE NUTSHELL SAIGON (58/12 Phạm Ngọc Thạch, Q3, HCM)
Vé: 50.000 VND
“Urban Layers”
Triển lãm “Urban Layers” được thực hiện bởi nhóm nghệ sĩ Wallovers; kể về câu chuyện của phố thị Sài Gòn bằng ngôn ngữ nghệ thuật bởi những người trẻ đương đại. Rời bỏ bức tranh tổng thể, Wallovers muốn đem đến nhiều hơn về góc nhìn cá nhân đối với thành phố nơi họ sống.
Các nghệ sĩ không muốn bó buộc bản thân ở tầm nhìn bao quát mà muốn tập trung hơn trải nghiệm của chính mình, từ đó kết nối và đại diện cho những gì họ thực sự cảm nhận. Wallovers bao gồm ba nghệ sĩ chính: Zkhoa (Trang Nhơn Khoa), Cresk (Nguyễn Tấn Lực) và Daes (Lưu Đoàn Duy Linh). Trong triển lãm lần này, ngoài những thành viên sáng lập của Wallovers còn có Deska (Phạm Thành Nguyên) sẽ cùng thực hành một số tác phẩm với tư cách nghệ sĩ khách mời.
“Urban Layers” (tạm dịch: Lát cắt thành thị) là một cuộc dạo chơi của những nghệ sĩ đường phố, lấy phương tiện thị giác để chuyển thể thành ngôn ngữ và kể về phố thị trong họ. Nếu như Zkhoa nhìn thấy những khía cạnh chân thật nhất của “rat race” (cuộc đua chuột) và sự truy đuổi không hồi kết của vật chất, mưu sinh để tồn tại; thì Cresk chọn cho mình một biểu trưng con người, xoay quanh hình tượng người phụ nữ để chất vấn những ý niệm về tính nữ và biểu trưng của họ; đồng thời cài cắm những yếu tố mang xu hướng tôn giáo của người Việt đằng sau. Daes lại chọn cách bóc tách tuổi thơ, nhìn thành phố qua lớp kính văn hóa gắn liền với những điều khiến cho đứa trẻ trong anh mê mẩn: hình tượng Lân, Sư, Rồng ở một diện mạo đương đại mới.
Thực hành chính của Wallovers tại triển lãm “Urban Layers” là Graffiti kết hợp với công nghệ thực tế ảo AR. Xét về thực hành đầu tiên, Graffiti là một trong những loại hình nghệ thuật xuất phát từ đường phố với năng lượng mạnh mẽ và hỗn loạn.
Thời gian: 11:00 AM – 8:00 PM từ 02.11.2021 – 12.11.2021
Địa điểm: Tầng 2, 62 Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Quận 1. HCM
Vé tham quan: 40.000 VNĐ
- Lý do bạn nên uống nước dừa khi nắng nóng
- Nghiên cứu: Ăn nhiều thực phẩm chứa loại chất béo này đẩy nhanh quá trình lão hóa và rút ngắn 50% tuổi thọ
- Thành phần của hoa hồi Lạng Sơn có tác dụng gì?
- Nếu chọn 1 món ăn cả đời, Taylor Swift sẽ chọn món này vì vừa ngon lại giàu collagen, giúp đẹp da, trẻ lâu
- Top 10 bài thuốc Đông y chữa dạ dày hiệu quả, an toàn hữu dụng