Nguyên nhân viêm phế quản cấp tính và mãn tính có thể bạn chưa biết

Nguyên nhân viêm phế quản cấp tính và mãn tính là hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, một số các yếu tố nguy cơ khác cũng khiến bạn có thể mắc phải căn bệnh này. Hiểu về nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn có cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

Các nguyên nhân viêm phế quản bạn cần biết

Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp tính

Nguyên nhân bệnh viêm phế quản cấp tính thường do virus là chủ yếu, điển hình là loại rhinovirus. Rhinovirus cũng chính là virus gây cảm lạnh thông thường và cảm cúm phổ biến nhất. Đó là lý do vì sao bệnh này thường xuất hiện sau cảm lạnh thông thường, đau họng hoặc cúm. Ngoài ra, viêm phế quản cấp cũng có thể do vi khuẩn, nấm nhưng ít gặp hơn.

Đầu tiên, virus xâm nhập và ảnh hưởng đến mũi, xoang và cổ họng. Sau đó, nhiễm trùng di chuyển đến niêm mạc của các ống phế quản (đường dẫn khí chính trong phổi) làm cho chúng sưng tấy và viêm. Đồng thời, quá trình này cũng kích thích phế quản tiết ra nhiều chất nhầy hơn. Cơ thể cố gắng đẩy lượng chất nhầy thừa này ra ngoài thông qua triệu chứng ho.

Ngoài ra, một số nguyên nhân bị viêm phế quản cấp tính khác có thể kể đến như:

    • Bị lây nhiễm virus khi hít thở cùng một bầu không khí hoặc tiếp xúc gần với người bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm phế quản cấp tính.
    • Tiếp xúc với các chất gây kích ứng, chẳng hạn như khói bụi mà các ống phế quản đã bị tổn thương từ trước.
    • Bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây ra chứng ợ nóng và khi axit trong dạ dày xâm nhập vào các ống phế quản có thể gây viêm phế quản cấp tính.

Nguyên nhân gây viêm phế quản mãn tính chủ yếu là do hút thuốc lá

Nguyên nhân gây viêm phế quản mãn tính chủ yếu là do thói quen hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc. Theo thời gian, khói thuốc lá có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho phế quản, khiến chúng bị viêm; làm cho bệnh viêm phế quản trở nên tồi tệ hơn và tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD.

Ngoài ra, một nguyên nhân viêm phế quản mãn tính khác là do tiếp xúc lâu dài với các chất kích thích làm tổn thương phổi và đường hô hấp, chẳng hạn như khói bụi, hóa chất hoặc khí độc từ môi trường sống hoặc nơi làm việc.

Các yếu tố nguy cơ khác

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm phế quản. Những yếu tố sau đây không phải là nguyên nhân gây viêm phế quản trực tiếp nhưng sẽ khiến nguy cơ mắc phải cao hơn:

    • Sức đề kháng yếu. Điều này có thể là do bệnh mãn tính lâu dài hay HIV làm tổn hại đến hệ thống miễn dịch. Bên cạnh đó, người lớn tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng có sức đề kháng yếu và dễ mắc bệnh.
    • Nghề nghiệp tiếp xúc với các chất kích thích phổi. Nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cao hơn nếu bạn tiếp xúc lâu dài với các chất kích thích phổi, chẳng hạn như hạt bụi, sợi vải dệt, hoặc các hóa chất.
    • Trào ngược dạ dày. Những cơn ợ chua nghiêm trọng lặp đi lặp lại có thể gây kích ứng cổ họng và làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản hơn.
    • Di truyền. Thiếu hụt alpha-1 antitrypsin có thể góp phần gây viêm phế quản mãn tính nhưng rất hiếm gặp. Ngoài ra, những người hút thuốc có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn nếu tiền sử gia đình có người mắc COPD.

Phòng ngừa bệnh viêm phế quản như thế nào?

Sau khi tìm hiểu về nguyên nhân viêm phế quản, bạn chắc hẳn sẽ cần biết thêm cách để phòng tránh căn bệnh này ngay tại nhà. Việc đầu tiên bạn cần làm chính là bỏ hút thuốc và tránh xa những môi trường có khói thuốc lá, lông thú cưng, bụi, nấm mốc, ô nhiễm không khí, chất tẩy rửa… có thể gây kích ứng đường hô hấp.

Kế tiếp, viêm phế quản cấp tính chủ yếu là do virus cúm gây nên. Vì vậy, việc tiêm phòng cúm và viêm phổi hàng năm là việc làm cần thiết để chống lại loại virus này.

Ngoài ra, hãy thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn và khử trùng các vật dụng xung quanh để ngăn ngừa các virus, vi khuẩn có hại có thể sinh sôi và gây bệnh.

Cuối cùng, hãy tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang khi đến nơi đông hoặc hoặc buộc phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm có nhiều khói bụi và hóa chất độc hại. Bạn cũng nên điều chỉnh chế độ ăn đa dạng dinh dưỡng, rèn luyện thể dục thể thao, tránh căng thẳng để giảm thiểu nguy cơ bị virus tấn công.

Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về các nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản cấp tính và mãn tính, cũng như có cách điều trị và biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *