Nguồn gốc chữ “Hàng” bắt đầu cho 36 phố phường Hà Nội

   Nhắc tới Hà Nội, người ta nhớ đến ngay khu phố cổ và những con phố được bắt đầu bằng các chữ “Hàng”. Chính điều này càng làm nên nét đặc trưng cho phố phường Hà Nội. Thế tại sao có rất nhiều từ “mĩ miều” hơn, sang trọng hơn lại không được lựa chọn. Mà lại chọn từ “Hàng”, nghe có vẻ hơi bình dị, dân dã. 

   Cứ theo thực trạng hiện nay, Hà Nội có 53 phố và ngõ bắt đầu bằng chữ Hàng, nếu xếp theo a, b, c thì là Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bè, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Bột (ngõ), Hàng Buồm, Hàng Bún, Hàng Chai, Hàng Cháo, Hàng Chỉ (ngõ), Hàng Chiếu, Hàng Chĩnh, Hàng Chuối, Hàng Cỏ (ngõ), Hàng Cót, Hàng Da, Hàng Dầu, Hàng Đào, Hàng Đậu, Hàng Điếu, Hàng Đồng, Hàng Đường, Hàng Gà, Hàng Gai, Hàng Giày, Hàng Giấy, Hàng Hành, Hàng Hòm, Hàng Hương, Hàng Khay, Hàng Khoai, Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Mành, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Ngang, Hàng Nón, Hàng Phèn, Hàng Quạt, Hàng Rươi, Hàng Than, Hàng Thiếc, Hàng Thùng, Hàng Thịt (ngõ), Hàng Tre, Hàng Trống, Hàng Vải, Hàng Vôi.

Ảnh: Một góc phố cổ Hà Nội.

   Nhưng trong thực tế lịch sử thì còn nhiều phố Hàng nữa có điều đã bị thay thế dần cùng thời gian. Quay ngược về quá khứ, khi nhà Lý rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long thì Hà Nội chưa có phố. Nó mới chỉ là các làng. Mà từ làng lên phố là sự biến đổi diễn ra rất nhanh, trong lần đô thị hóa thứ nhất.

   Đến lúc Hà Nội trở thành kinh đô thì nơi đây tập trung rất nhiều trí thức quan lại. Có thể nói đây là những tầng lớp biết hưởng thụ, rất thích hưởng thụ, vì họ là tầng lớp trên và có tiền.

   Lúc đầu người dân từ khắp nơi mang hàng đến Thăng Long để bán và cuối ngày họ sẽ trở về. Thế nhưng còn có những người mang hàng đến Thăng Long bán nhưng nếu chưa bán xong. Họ sẽ dựng các lều quán để hôm sau bán tiếp, bán hết hàng mới trở về. Và cũng có những người họ trụ lại ở Thăng Long để bán.

   Như vậy, dần dần những người đến nơi đây buôn bán họ tụ tập lại với nhau gồm những người cùng làng, cùng họ, cùng buôn bán chung một mặt hàng. Dần dần những nơi như vậy trở thành một điểm mà rất nhiều người cùng bán một loại hàng và trở thành phố.


   Tên gọi của các phố này bắt nguồn từ việc trước đây họ bán gì thì họ lấy luôn tên gọi để đặt cho nơi đó. Từ đó xuất hiện hàng loạt các tên phố bắt đầu bằng tên “Hàng”.

   Bây giờ hầu hết các phố Hà Nội mang tên hàng như Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Lược … vẫn còn nhưng không sản xuất những mặt hàng như tên gọi của nó nữa. Như phố Hàng Hòm không sản xuất Hòm nữa. Phố hàng Khoai không bán khoai nữa, thay vào đó phố Hàng Khoai lại bán bát đĩa, phố Hàng Đường nổi danh với Ô mai, phố Hàng Gà thì in thiệp cưới. Bên cạnh đó, vẫn còn những phố bán những mặt hàng như tên gọi của nó như thời xa xưa, phố thuốc Bắc, hàng Thiếc vẫn bán thiếc, hàng chiếu hiện nay vẫn nổi tiếng về bán chiếu… nhưng số tên phố mà vẫn bán mặt hàng như xưa còn rất ít.

   Hiện nay, những khu phố trên không chỉ vẫn lưu giữ những dấu tích xa xưa, mang đậm dấu ấn văn hóa xưa cũ của mảnh đất kinh kì mà còn trở thành địa điểm ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước. Cho dù, sự hiện đại đang giết dần, giết mòn những di tích đã cấu thành nên Hà Nội tuy nhiên khi nhắc đến Hà Nội chắc rằng không ai có thể quên được 36 phố phường của vùng đất kinh kì.

Nguồn: Internet

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *