Người biết đủ mới thực là người hạnh phúc ở thế gian

Khỏe Đẹp Plus – Người biết đủ là người thông minh, trong thuận lợi và nghịch cảnh, trong bần cùng và phát đạt, trong sinh và tử, sẽ nghĩ đến ý nghĩa thực sự của cuộc sống.

Chưa buông bỏ được vì chưa đau thấu tận tâm can

Nghe rất nhiều nhưng hầu như ít người hiểu sắc sắc không không nghĩa là gì?

Uống trà đi: Sống trong thực tại, bây giờ và ở đây


Khi có thể tĩnh lặng suy nghĩ về ý nghĩa thực sự của cuộc sống, bạn sẽ cảm thấy những điều chúng ta đang hy vọng và mong chờ trở nên quá nhỏ bé, tầm thường. Có thể lấy hai cuộc sống thanh đạm của Lý Tư và Mã Viện trong lịch sử làm ví dụ.

Khai quốc công thần cũng bị xử tử, nguyện vọng cuối cùng thật giản đơn

Lý Tư từng là Thừa tướng của Tần Thủy Hoàng, luận về văn ông là văn tài (sáng lập chữ Triện), luận về chiến lược ông là một vị tướng tài (công phá lục quốc, thống nhất thiên hạ). Ông không chỉ cả đời vinh quang hiển hách, mà gia tộc cũng được tiếng thơm lừng lẫy. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên chép: “Con trai đầu của Tư là Do làm thái thú Tam Xuyên. Mấy người con trai đều lấy công chúa nước Tần, con gái thì lấy công tử nước Tần”. Hơn nữa Lý Tư cũng là người rất thông minh, sâu sắc. Nếu người bình thường ở vào địa vị của ông hẳn sẽ vô cùng tự hào về bản thân mình, nhưng Lý Tư trong khi đang ở đỉnh cao huy hoàng, được nhiều người chúc tụng mà vẫn thở dài nói:

“Than ôi, ta nghe Tuân Khanh nói: “Sự vật kiêng đầy”, không nên đi đến chỗ quá thịnh. Lý Tư ta chỉ là kẻ áo vải đất Thượng Thái, là dân đen chốn quê mùa, nhà vua không biết tài năng ta kém cỏi, nên đã cất nhắc đến địa vị này. Nay ở địa vị kẻ bề tôi không ai vượt hơn ta, có thể nó là phú quý cực đỉnh rồi. Vật cực thịnh thì sẽ suy, ta chưa từng thấy có ai thoát ra được”.

Lý Tư thực là người hiểu chuyện. “Vật cực tất phản”, ông nói mình nay đã phú quý cực đỉnh ắt là chưa biết sau này lành dữ ra sao, nương thân nơi nào. Quả thật đúng như những gì Lý Tư hằng lo lắng, sau cái chết của vị Tần Thuỷ Hoàng, tình thế hoàn toàn thay đổi. Lý Tư bị Triệu Cao hãm hại, bị Tần Nhị Thế xử tử, phải chịu ngũ hình (năm hình phạt cổ: khắc dấu chàm, cắt mũi, chặt chân, thiến, chém ngang lưng) tại Hàm Dương. Trước khi bị hành hình Lý Tư nói với con trai mình: “Ta mong muốn cùng con lại dắt chó vàng ra khỏi cửa đông của ấp Thượng Thái đuổi con thỏ khôn, liệu còn có thể được chăng?”. Cha con cùng khóc với nhau. Lý Tư bị tru di ba họ.

Trước khi chết, Lý Tư chẳng nghĩ gì về vinh hoa phú quý đã tích luỹ được trong đời mà chỉ muốn sống một đời thanh thản, cùng con trai mang chó săn đi bắt thỏ bên ngoài thành. Có những hạnh phúc thật giản dị làm sao nhưng mãi đến khi phải đối diện với sinh tử, người ta mới thấu hiểu. Tâm nguyện nhỏ trước khi chết này, so với những danh vọng và lợi ích trên thế gian thì còn nặng hơn rất nhiều. Bởi đó chính là cảm giác chân thành nhất. Tại thời điểm đó, danh lợi phú quý đều trở thành vô nghĩa cả. Nếu thời gian có quay trở lại, hẳn Lý Tư sẽ muốn chọn một cuộc sống bình thường chứ chẳng dại gì bước lên con đường nguy hiểm mà mạo hiểm sinh mệnh của mình vì bả vinh hoa.

Ảnh: Shutterstock.

Nhớ lời khuyên biết đủ, cả đời an yên

Cả đời Lý Tư hiển hách nhưng điểm dừng chân cuối cùng của ông lại được coi là thất bại hoàn toàn. Cuộc đời của Mã Viện (14 TCN – 49) lại khác hẳn. Ông có rất ít tham vọng trong cuộc sống. Trong những năm cuối thời Vương Mãng (người cướp ngôi nhà Hán lập ra nhà Tân), quần hùng nổi dậy tranh đoạt thiên hạ, ông về dưới trướng Lưu Tú (tức Hán Quang Vũ Đế sau này), liên tục lập được nhiều công lao, được phong tận tới tước Tân Tức hầu, thực ấp 3000 hộ.

Trong Hậu Hán thư có chép: Mã Viện mổ bò bày rượu để khao quân sỹ, thong thả nói với quan lại thuộc hạ rằng: “Ta theo em trai Thiếu Du, em trai thường lo ta khảng khái quá, chí lớn quá, nên nói rằng: ‘Kẻ sỹ sống trên đời, chỉ cần có đủ ăn đủ mặc là được rồi. Cưỡi xe lớn, cưỡi ngựa hay, làm quan quận duyện sử, coi giữ mộ phần, người làng khen người tốt, như thế là đủ rồi. Còn cầu dư thừa, e tự chuốc khổ vào thân thôi’. Khi ta ở Lãng Bạc, Tây Lý, kẻ địch chưa bị tiêu diệt, dưới đất lụt lội, trên trời sương mù mịt, khí độc bốc lên, ngẩng đầu thấy diều hâu bay rơi xuống nước, nằm nghĩ những lời của Thiếu Du, làm sao có thể được như thế nữa. Hôm nay nhờ công sức của các sỹ đại phu, nhận được đại ân, chúc mừng trước các vị, trở về được ban quan tước ấn tín, ta vừa vui mừng, vừa cảm thấy hổ thẹn”.

Những người có được thành công sau khi trải qua thăng trầm, nguy hiểm thường “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, thường tự đánh giá cao khả năng của chính mình quá. Nhưng Mã Viện thì khác, trong những năm tháng huy hoàng nhất của cuộc đời, ông nhớ đến những lời em trai từng nói với mình và hiểu ra trong đời người đừng quá cố gắng theo đuổi vinh hoa phú quý, vật chất tối thiểu là đủ rồi, tôn nghiêm tối thiểu là đủ rồi.

Người ta, đến một thời điểm nào đó, đột nhiên sẽ cảm thấy đạt được những điều đơn giản là không hề dễ dàng. Mã Viện trong những lúc khó khăn nhất, ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên mà trong tâm lại cảm thấy bình thản vô cùng. “Ngước nhìn diều hâu bay trên cao rồi rơi xuống nước”, cảnh sắc bình thường lại mang đến cho ông những suy ngẫm thật sâu sắc, giống như Đào Tiềm hái hoa cúc ở vườn phía đông, trong ánh hào quang tỏa nắng, thong thả ngắm nhìn ngọn núi Chung Nam, thấy được vẻ đẹp của buổi chiều tà, của từng cánh chim mỏi bay về tổ.

“Thái cúc đông ly hạ
Du nhiên kiến Nam Sơn
Sơn khí nhật tịch giai
Phi điểu tương dữ hoàn”

(Dịch nghĩa: Hái cúc ở giậu phía đông, bỗng nhiên thấy núi Nam Sơn, khí núi buổi chiều càng đẹp, chim bay về cùng đàn).


Ảnh: Shutterstock.

Khi ngắm cảnh thanh bình, Mã Viện hay Đào Tiềm đã hiểu rằng vinh hoa phú quý trong đời rồi cũng đi đến hồi tận, chỉ có hoà mình vào với vòng tay rộng lớn của trời đất, sống cuộc đời bình dị mới là hạnh phúc lớn lao nhất. Đó là sự thức tỉnh đáng quý. Nếu cứ tiếp tục kiên trì, chẳng buông những thứ vật ngoại thân như phú quý, bạc tiền thì cũng nào khác chi Lý Tư kia, trước khi chết muốn sống đời bình dị, trở về với tự nhiên mà chẳng được. Chẳng phải đó là bi kịch đáng thương tâm nhất đó sao?

Nhưng dù thế nào đi nữa, những lời nói của Mã Viện và Lý Tư xuất ra trong lúc ấy cũng toàn là lời chân thật tự đáy lòng cả, thực khiến người ta phải nhỏ lệ thương sầu.

Quả là, vượt qua giông bão mới hiểu được như thế nào là hưởng thụ một cuộc sống yên bình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *