Mụn ẩn không gây đau nhưng chúng khiến làn da trở nên sần sùi, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Vậy có nên tự nặn mụn ẩn? Làm thế nào để điều trị dứt điểm tình trạng này?
1. Nguyên nhân gây mụn ẩn
Theo BSCKI. Lưu Thị Quỳnh, Khoa Da liễu – Miễn dịch, Dị ứng, Bệnh viện 19-8, mụn ẩn thực chất là tổn thương mụn trứng cá không viêm, thường khu trú ở vùng da tiết nhiều dầu nhờn, kết hợp với vi khuẩn và bụi bẩn gây bít tắc lỗ chân lông. Nổi mụn ẩn không gây đau nhưng chúng khiến làn da trở nên sần sùi, sờ tay sẽ thấy cộm trên bề mặt da.
Một số nguyên nhân phổ biến gây mụn ẩn như:
– Rối loạn nội tiết tố: Thay đổi nội tiết tố trong độ tuổi dậy thì, thời kỳ mang thai, kinh nguyệt… là nguyên nhân hàng đầu gây mụn ẩn. Nội tiết tố thay đổi sẽ kích thích tuyến bã nhờn sản xuất dầu, dẫn đến bít tắc lỗ chân lông và nổi mụn.
– Thói quen chăm sóc da không phù hợp: Vệ sinh da không sạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho bã nhờn, bụi bẩn, vi khuẩn gây tắc lỗ chân lông và hình thành mụn ẩn. Bên cạnh đó, việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp, làm bít tắc lỗ chân lông trên da và gây mụn. Bởi vậy, việc hiểu và chăm sóc da đúng rất quan trọng để duy trì làn da khỏe đẹp.
– Chạm, sờ tay lên mặt: Đây là thói quen dễ gây nổi mụn ẩn. Tay bẩn dính nhiều loại vi khuẩn khác nhau, khi người bệnh chạm tay lên mặt sẽ vô tình giúp vi khuẩn tiếp xúc với da và gây mụn.
– Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh, căng thẳng kéo dài: Chế độ ăn uống quá nhiều đường, dầu mỡ sẽ khiến da dễ nổi mụn. Không những thế, khi thức khuya, căng thẳng quá độ, tuyến bã nhờn hoạt động quá mức, tiết nhiều dầu khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn và hình thành mụn ẩn.
2. Cần làm gì khi phát hiện mụn ẩn?
Khi phát hiện mụn ẩn (mụn không có đầu nhân, nằm sâu bên trong nang lông, sờ tay thấy bề mặt da sần sùi), bạn không nên tự ý nặn mụn. Bởi việc nặn, cậy mụn không đúng cách có thể vô tình mang vi khuẩn từ tay hoặc dụng cụ khiến cho tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn, lâu lành, thậm chí để lại sẹo.
Không những thế, đối với những nhân mụn chưa trồi lên khỏi da, chưa khô, thói quen tự nặn mụn sẽ càng làm tăng khả năng gây viêm và nhiễm trùng. Do đó, thay vì cố nặn mụn, hãy thử sử dụng các sản phẩm trị mụn không kê đơn, như salicylic, benzoyl peroxide, axit alpha hydroxy… Những hoạt chất này phù hợp với tình trạng mụn nhẹ, có thể gây kích ứng nên cần thoa sản phẩm trên vùng da nhỏ để kiểm tra phản ứng.
Ngoài ra, có thể sử dụng miếng dán trị mụn. Trong miếng dán này có chứa axit salicylic có tác dụng trị mụn. Tuy nhiên, cần tuân theo hướng dẫn sử dụng để tránh kích ứng da.
Điều chỉnh lại chu trình dưỡng da bằng cách loại bỏ các sản phẩm có thành phần dễ gây bít tắc lỗ chân lông. Đồng thời, duy trì thói quen sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, chế độ ăn uống lành mạnh (không dầu mỡ, cà phê, thuốc lá…) sẽ góp phần giúp da nhanh phục hồi.
3. Điều trị mụn ẩn như thế nào?
Nếu tình trạng không cải thiện sau khi sử dụng các sản phẩm không kê đơn, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn phương pháp điều trị thích hợp như:
– Dùng thuốc: Tùy từng tình trạng, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc đường uống và bôi để giảm viêm, ức chế sự phát triển mụn ẩn. Cần tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đã kê để tránh tái phát mụn.
– Phương pháp peel da: Peel da giúp làm khô cồi mụn, đẩy mụn lên bề mặt và loại bỏ mụn ẩn dễ dàng hơn, giảm nguy cơ hình thành sẹo.
– Điều trị laser: Là phương pháp dùng ánh sáng laser với bước sóng phù hợp với da để tác động vào sâu bên trong mà không gây tổn thương da. Với tác động của tia laser, tuyến bã nhờn được kiểm soát, loại trừ ổ vi khuẩn gây viêm, nhờ đó giúp điều trị mụn hiệu quả.
– Điện di: Đưa hoạt chất thấm vào sâu trong da với nồng độ thích hợp để phát huy tác dụng giảm tiết bã nhờn, kháng viêm và tiêu diệt vi khuẩn gây mụn.
Trên thực tế, không có phương pháp điều trị mụn nào là tốt nhất và đôi khi nên kết hợp nhiều phương pháp để điều trị. Điều trị mụn cần kiên trì, tối thiểu từ 2 đến 3 tháng, trước khi quyết định xem phương pháp điều trị đó có hiệu quả hay không.