#LazyIssue: Flâneur – nghệ thuật của sự lười biếng

Flâneur: danh từ tiếng Pháp có nghĩa “đi dạo” hay “lang thang” được nhà thơ người Pháp Charles Baudelaire dùng lần đầu tiên, chỉ những người dành thời gian cho việc quan sát.

Cô gái trên đường phố Paris

Trên đường phố Paris, một phụ nữ ngừng lại bước đi của mình. Cô tháo găng tay, bàn tay còn lại bật diêm để châm điếu thuốc. Bộ đầm đen tôn vinh vóc dáng mảnh khảnh, chiếc mũ đen gắn lông chỉ để lộ màu tóc tối, đôi giày cao gót khiến hai cẳng chân càng thêm gày gò. Người ta biết đó là buổi ban ngày khi nhiếp ảnh gia chụp tấm ảnh rất đẹp này, từ bóng dáng cô gái phản chiếu trên nền bức tường phía sau cô, bên cạnh ngọn đèn đường. Trên mảng tường còn một chứng cớ của thời gian tấm ảnh được chụp, dòng chữ “Défense d’Afficher et de fair aucun Dépôt le long de ce” – Bức tường không dành cho quảng cáo”. Năm 1936, nhiếp ảnh gia người Đức Marianne Breslauer chụp tấm ảnh có tên “Défense d’Afficher”, không rõ bà nghĩ gì khi lưu lại hình ảnh người phụ nữ vô danh bà vô tình gặp trên đường phố Paris.

(Défense d’Afficher, Marianne Breslauer ,1936)

Có thể cũng giống với những tấm ảnh đặc trưng phong cách Marianne Breslauer: đời thường, ngoài cuộc, họ làm công việc họ làm hàng ngày, họ không để nghệ thuật nhiếp ảnh cản trở cuộc đời mình đang sống. Và cũng giống với phong cách đặc trưng của Marianne Breslauer, những người phụ nữ trong ảnh của bà thường trễ nải, họ vẫn hiện diện trong khung nền của các đô thị Châu Âu, nhưng ánh mắt và cử chỉ của họ lại mang đến cảm xúc khác. Rằng họ không ở đó, đầu óc họ đang lang thang, tâm trí họ đã không còn thuộc về họ trong một khoảnh khắc, Marianne Breslauer là một tài năng đặc biệt trong việc lưu giữ những khoảnh khắc vô định của hàng trăm, thâm chí hàng ngàn Flâneuse đích thực.

Lấy Paris làm ví dụ, bởi thành phố này là khởi nguồn của một thuật ngữ thuần hiện sinh nếu áp nó vào triết học, hay hậu hiện đại nếu quan sát từ điểm sáng nghệ thuật. Từ động từ tiếng Pháp flâner, “Flâneur” – hay “những kẻ lang thang vô định” được nhà thơ Charles Baudelaire sử dụng như danh từ lần đầu tiên vào nửa cuối thế kỷ 19. Những kẻ tiên phong trong việc “lang thang vô định” vào giai đoạn ấy xuất hiện đầy khắp đường phố Paris, họ luồn lách vào những ngõ hẻm, thậm chí đột nhập vào những mảnh vườn riêng tư, họ đi bộ chứ không phải xe ngựa để đi chậm hơn, nhìn kĩ hơn, soi mói tỉ mẩn hơn, ghi nhớ tuần tự hơn. Những “trưởng giả” một thời có thừa tiền và thời gian để lang thang ngày này qua tháng nọ cho những câu hỏi soi chiếu thành phố họ đang sống và soi chiếu tâm tư chính mình.

Chuyện gì đã xảy ra ở đây? Ai đã từng đi qua đây? Nơi này có ý nghĩa gì? Họ tái định nghĩa một thành phố bằng những kỉ niệm và dấu ấn riêng tư. Họ biến nó thành âm nhạc, hội họa, văn chương, và phần lớn trong số đó thuộc về kho tàng truyền thống văn hóa người Pháp không lúc nào thôi tự hào. Cũng giống với hầu hết danh từ tiếng Pháp, những người lang thang cũng có định danh cụ thể, một quý ông thích lang thang sẽ được gọi là flâneur, trong khi một quý bà lang thang sẽ được người ta trìu mến gọi flâneuse.

Lười biếng như những flâneur

Trong một tập phim Emily in Paris, Emily (Lily Collins thủ vai) ngồi cùng cô bạn gái thân trước một quán café ngoài trời, phàn nàn về việc mình chẳng còn sức lực cho cả ngày làm việc trước mặt. Một người Mỹ trẻ tuổi đam mê công việc như Emily, còn Cindy, cô không phải người Pháp. Cô sống ở Paris chưa thể gọi là đủ lâu. Nhưng cô mê mẩn Paris và tất cả những ngón nghề để sống còn ở kinh đô anh sáng. Cô an ủi cô bạn người Mỹ của mình: “Bình tĩnh đi, lười thậm chí còn được coi là một kiểu nghệ thuật ở đây. Họ gọi nó là flaneur!” Bộ phim truyền hình chắc chắn muốn đưa ra một tình huống dĩ nhiên nhất để so sánh phong cách sống của hai quốc gia thuộc về hai nền văn hóa khác nhau ở hai châu lục khác nhau. Emily tất nhiên rất ngạc nhiên. Lười biếng mà cũng là nghệ thuật sao? Cô còn quá nhiều điều để học về Paris và học từ Paris.

Emily In Paris có thể kích động rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến định kiến và lầm tưởng về người Pháp nói chung và người Paris nói riêng, thậm chí tờ báo danh tiếng nhất nước Pháp Le Monde có hẳn một bài viết chỉ ra những điểm “ngớ ngẩn” mà những nhà làm phim truyền hình hài kiểu Mỹ tô vẽ hay phóng đại lên để làm cho hình ảnh người Pháp “nực cười” hơn so với sự thật. Nhưng không thể phủ nhận bộ phim truyền hình này cũng đồng thời kéo Paris trở lại vị trí trung tâm của đủ thứ nghệ thuật: nghệ thuật yêu, ăn (không bao giờ rửa chiếc chảo chiên trứng của bạn! Và đúng vậy, họ có một chiếc chảo chuyên cho việc chiên trứng!), sáng tạo, tán tỉnh một người lạ ở hàng hiên quán café Café de Flore, và cả những nghệ thuật phi nghệ thuật như việc lười biếng và lang thang.

Không thể phủ nhận bộ phim truyền hình này cũng đồng thời kéo Paris trở lại vị trí trung tâm của đủ thứ nghệ thuật: nghệ thuật yêu, ăn, sáng tạo, tán tỉnh một người lạ ở hàng hiên quán café Café de Flore, và cả những nghệ thuật phi nghệ thuật như việc lười biếng và lang thang.

 

Cindy nói không sai, dù không rõ cô nàng này có biết về Georges Perec và câu chuyện ông luôn ngồi ở quán café Café de la Mairie trong cả tuần trời vào năm 1974 chỉ để ghi chép tất cả những sự vật hiện tượng lặp đi lặp lại trước mắt – xe taxi, xe bus, mọi người ngồi ăn bánh ngọt uống café, gió thổi theo hướng nào, gió thổi kiểu gì. Ông muốn nhấn mạnh những vẻ đẹp trong cuộc sống đời thường mà quá nhiều người đã bỏ qua do bận rộn sống, bận rộn kiếm tiền, bận rộn yêu, bận rộn chia tay… đủ kiểu bận rộn. Georges Perec – nhà văn nổi tiếng của Pháp gọi vẻ đẹp ấy là những việc đang diễn ra khi chẳng có gì diễn ra. Nếu Cindy biết điều này, có lẽ cô nàng sẽ thuyết phục một Emily căng thẳng lo âu kĩ càng hơn.

(Le Flaneur, Pierrot Le Chat)

Và nếu Georges Perec có thể là cái tên xa lạ với cô gái người Mỹ, thì kéo Hemingway vào câu chuyện sẽ không phải là ý tưởng tồi. Ernest Hemingway là cái tên có lẽ người Mỹ nào cũng biết, một nhà văn của thời đại, một đại diện của “The Lost Generation”, như chính ông tự gọi mình và bạn bè giai đoạn chiến tranh liên miên đầu thế kỉ 20. Và vì “lạc lối”, nên vào những năm 1920, Paris mới chứng kiến một nhóm những flâneur vĩ đại như vậy: Hemingway, Jean-Paul Sartre, and Pablo Picasso, Gertrude Stein, William Faulkner, F. Scot Fitzgerald… danh sách còn dài. Thói quen của họ, được Hemingway kể lại trong cuốn hồi kí Hội hè miên man, bao gồm việc ngồi hàng giờ ở những quán café ven sông Siene, lang thang ở hiệu sách Shakespeare and Company, tranh luận sôi nổi ở những quán bar vào buổi tối, và đi bộ từ bờ kè này đến bờ kè kia của dòng sông, từ quận Montmartre đến quận Saint Germain des Prés. Thời gian với họ chỉ còn là một ước lượng mất dần ý nghĩa, vì nghĩ về thời gian là nghĩ về những cuộc chiến tranh, một Châu Âu hỗn loạn, một đời sống nghệ sĩ nghèo nàn không rõ ngày mai. Còn quên thời gian là tập trung vào những cuộc vui (và buồn), những tranh luận mỹ học, thuần học, triết học; tập trung vào những điểm nhỏ xuất hiện trên từng bước đi. Thế hệ lạc lối là đây!

Thú vị thay, sau những ngày lang thang vô định như vậy, họ cũng là những người đã viết nên hầu hết tất cả các tác phẩm văn học, vẽ nên những bức họa, sáng tác những ca khúc jazz… thành công và kinh điển nhất của thế kỉ 20.

Đặc sản không chỉ của Paris

Paris là một thành phố cổ súy “flâneur”, dù vô tình hay hữu ý. Hình ảnh đặc trưng nhất của thủ đô nước Pháp là những Parisien ngồi ngoài hiên các quán café ở các quận lớn nhỏ, bên cạnh họ là một tách café đen vào ban ngày, hay một ly rượu vang trắng vào ban chiều, thậm chí buổi tối. Họ đọc báo ngày, họ đọc một cuốn sách dày cộp, điếu thuốc hờ hững trên tay, khuôn mặt đăm chiêu trong một vùng bí ẩn chỉ có họ mới biết là gì. Tâm trí họ trôi xa hàng vạn dặm, họ lắc đầu khi nghĩ về việc làm thêm giờ và những người “quá bận rộn” để “thưởng thức”. Nếu flaneur là một kiểu nghệ thuật thật sự, thì những người như vậy xứng đáng được gọi là nghệ sĩ. Một flaneur không chuyên nghiệp tuy có thể ngồi ngay cùng vị trí, nhưng tâm trí họ bị chiếm đóng bởi hằng hà sa số âu lo. Công việc, gia đình, anh chàng họ thích không nhắn lại cả ngày trời… thế giới của họ ngoài công việc, gia đình hay anh chàng họ thích vẫn chỉ xoay quanh chính những điều ấy. Âu lo hoàn âu lo, hi vọng những flâneur không chuyên hiểu ra điều này!

(Paris Café)

Nhưng có phải chỉ người Pháp mới là chuyên gia của sự lười hay không? Có phải Paris độc quyền nắm giữ bí mật “lười biếng” này? Thực tế nhiều quốc gia Châu Âu cũng có những phiên bản “lười biếng” riêng của họ. Khái niệm flâneur thậm chí được tin rằng bắt nguồn từ danh từ tiếng Bắc Âu vào năm 1585 – flana, có nghĩa “một người lang thang”. Và người Bắc Âu, nổi tiếng là thế những quốc gia “năng suất”, lại coi việc nghỉ ngơi không làm gì như một tính cách bản địa, thậm chí là bí mật quốc gia để năm nào họ cũng kéo nhau xếp đầu bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu. Thói quen fika của người Thụy Điển là một ví dụ điển hình: fika có nghĩa bạn bỏ công việc bạn đang làm và ngồi tận hưởng tách café, ăn một chiếc bánh quế, trò chuyện với đồng nghiệp hay nghịch điện thoại… gì cũng được miễn không phải làm việc.

Họ lý luận rằng fika chỉ là cái cớ để họ cho phép bản thân mình lười biếng, tâm trí rong chơi, cơ thể tận hưởng những “guilty pleasure” của con người như bánh ngọt và café. Thành quả là thậm chí không làm gì nhiều, chỉ số cảm xúc và năng lượng của họ vẫn tăng vọt sau hai buổi fika mỗi ngày.

Trong khi một phần không nhỏ dân số thế giới coi “sự năng suất” là chỉ số chính đo lường giá trị xã hội của một người, một số khác vẫn đang hưởng thụ “nghệ thuật không làm gì” theo cách riêng của họ, người Ý có dolce far niente (không làm gì thật ngọt ngào), người Hà Lan hay nói lekker niksen để diễn tả điều tương tự… không chỉ tên gọi, ngay cả cách thức lười biếng và nhu cầu lười biếng cũng rất đa dạng. Có khi bạn chỉ cần 15 phút mỗi ngày, có khi bạn cần cả giờ đồng hồ chỉ để không làm gì. Có khi việc ngồi một chỗ uống café đọc một bài báo được coi là “lười biếng” với bạn, nhưng cũng có khi đó là lúc bạn ngồi yên một chỗ nhìn mông lung vào những điểm vô định, thực sự không làm gì.

(Lisa von Cramm, Marianne Breslauer, 1934)

Dành thời gian để tâm trí lang thang, hay để cơ thể vận động theo một nhịp điệu ngẫu nhiên, quan sát và “trốn chạy” một chút khỏi thực tại ồn ào, là cách ai cũng có thể áp dụng hàng ngày để vượt qua căng thẳng và kết nối với chính mình. Bởi khi bạn lang thang, tâm trí có thời gian để tự kết nối các ý tưởng, thậm chí biến chúng thành ý tưởng mới, thậm chí ý tưởng mới đó có thể trở thành một sáng tạo…

Quay trở lại với Emily in Paris, cô nàng có nên nghe theo lời khuyên của Cindy mà lười biếng một chút không? Ngoài việc khiến cô có thêm cái vẻ “je ne sais quoi” của những cô gái Paris? Suy cho cùng, ai mà không bị những flâneur cuốn hút cơ chứ?

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *