Khỏe Đẹp Plus – Làn da bị ô nhiễm gây nên tình trạng các lỗ chân lông bị tắc nghẹt, nổi mụn, viêm da. Qua đó thúc đẩy lão hóa. Vậy bảo vệ da trước tác động của ô nhiễm môi trường thế nào?
Vậy chăm sóc làn da bị ô nhiễm bằng cách nào?
Làn da thay đổi thế nào khi không khí ô nhiễm?
Ô nhiễm không khí gây tổn hại nhiều đến làn da. Tiếp xúc với không khí ô nhiễm có tính chất lâu dài, lặp đi lặp lại sẽ gây lão hóa da, các bệnh lý viêm như vảy nến, viêm da cơ địa, mày đay, viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm nang lông, mụn trứng cá và nghiêm trọng hơn có thể gây ung thư da.
Ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn chủ yếu do khói bụi, khí thải như NO2, CO, SO2, tạo thành các bụi mịn (dạng lỏng hoặc rắn) có kích thước siêu nhỏ, chỉ bằng 1/40 hạt cát. Ô nhiễm không khí rất có hại cho sức khỏe. Đặc biệt, trong những bệnh lý về da liễu, ô nhiễm không khí có thể làm khởi phát hoặc nặng lên một số bệnh như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da cơ địa, mụn trứng cá, mày đay, lão hóa da, rám má, sạm da. Ô nhiễm không khí còn làm cho một số bệnh da kém đáp ứng điều trị và dễ tái phát nặng lên, kéo dài, khó điều trị hơn.
Các chuyên gia đều cho rằng, ô nhiễm không khí không chỉ tác động trực tiếp, phá vỡ hàng rào bảo vệ da mà còn gây bệnh như một yếu tố trực tiếp. Các bụi mịn, siêu mịn còn tương tác với bức xạ mặt trời (các tia UV) để gây lão hóa da nhanh chóng, tổn thương da, thậm chí ung thư da thông qua việc tác động vào các thành phần trên da như tế bào sừng, nguyên bào sợi, tế bào hắc tố.
Với hai cơ chế tác động vào làn da, việc nhiều người mắc các bệnh da liễu trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Trong đó, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là những người có hàng rào bảo vệ da bị tổn thương như có cơ địa viêm da, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ dưới 6 tháng đến người già. Những người có cơ địa nhạy cảm dị ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng sẵn có như viêm da tiếp xúc dị ứng do mỹ phẩm, bôi thuốc không đúng cách; các bệnh nhân trứng cá, viêm nang lông; người thường xuyên phải làm việc ngoài trời, dưới ánh nắng mặt trời hoặc trong môi trường khói bụi, không được bảo hộ lao động đầy đủ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Cần bôi kem chống nắng và mang khẩu trang để bảo vệ da.
Bảo vệ da trước các tác động môi trường
Chống nắng khi ra ngoài trời: Tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời không chỉ khiến làn da bị đen sạm, cháy nắng mà còn gây lão hóa thậm chí ung thư da. Để chống lại tia cực tím, khi ra ngoài trời, cần bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và phổ rộng chống cả tia UVA và UVB. Nếu có tắm biển hoặc hồ bơi thì chọn loại kem có thêm tính chống nước. Bôi lặp lại mỗi 2 giờ nếu tiếp xúc ánh nắng nhiều.
Luôn bảo vệ da bằng cách mang khẩu trang, mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài trời: Khẩu trang chọn loại vải cotton, dày. Nếu trời nắng thì cần chọn vải tối màu (đen, xanh đen, nâu, tím) vì những màu này có khả năng chống tia cực tím tốt hơn màu sáng. Rửa mặt được xem là một trong những phương pháp chăm sóc da căn bản và quan trọng nhất. Rửa mặt với loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, phù hợp với đặc tính của từng loại da sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn, cặn bã, lớp kem phấn trang điểm trên khuôn mặt để cho các lỗ chân lông được thông thoáng, giảm nguy cơ viêm tắc lỗ chân lông.
Mỗi ngày nên rửa mặt ít nhất 2 lần vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ, ngoài ra những thời điểm lý tưởng để rửa mặt là sau khi tẩy trang, sau khi đi ra ngoài về, khi da mặt tiết nhiều mồ hôi, khi có cảm giác nhờn bóng…
Tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm, da sẽ nhanh lão hóa. Vì vậy, làn da cần được dưỡng ẩm để luôn khỏe mạnh, láng mịn và tươi trẻ dài lâu.
Hãy bảo vệ da của bạn bằng một số cách dưỡng ẩm hiệu quả cho da là vỗ nước trực tiếp lên khuôn mặt, uống đủ lượng nước cơ thể cần khoảng 8-10 ly nước mỗi ngày, ưu tiên các loại rau quả đa dạng sắc màu và thoa kem dưỡng ẩm cho da mỗi ngày, lý tưởng nhất là sau khi tắm hoặc sau khi waxing cho da.
Ngoài ra, cần tăng cường bổ sung vi chất, những loại vi chất như vitamin A, B, C, D, E… là những loại vi chất thiết yếu cho làn da. Nó cũng tham gia tích cực vào quá trình tái tạo tế bào da và chống lại quá trình oxy hóa, quá trình lão hóa da trong cơ thể. Đặc biệt những loại vi chất được mệnh danh như những “vũ khí” có khả năng thanh lọc, thải độc cho da.
ThS.BS. Minh Trang/ SKĐS
- 3 cách cực nhanh giúp bạn biết mình có nguy cơ tắc nghẽn mạch máu hay không
- Self-efficacy là gì? Tại sao tin vào bản thân sẽ quyết định sự thành công của bạn
- 6 thói quen sai lầm khi tắm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn da, bạn cần thay đổi ngay
- Lầm tưởng về thực phẩm gây nóng trong người
- Thay bao bì nhựa xanh sang nhựa trong: Sprite “mạo hiểm” thay đổi vì mục tiêu tái chế 100% chai và lon công ty Coca-Cola bán ra đến năm 2030.