KỲ LẠ QUẢ TRỨNG DỰNG ĐỨNG TRONG LỄ HÁT THEN GIẢI HẠN

Khi những cánh hoa đào đang còn bung đỏ thắm cành, dòng người vẫn nô nức trẩy hội thì đâu đó mỗi gia đình người dân xứ Lạng lại vang lên tiếng cây đàn tính, lời hát then quen thuộc. Hát then là cầu nối cho người trần giải quyết mọi ân oán với người âm, cầu cho một năm mới an lành.

Mùng 6 tết, tại một gia đình Ngõ 3, thôn Cốc Nam, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, tất bật chuẩn bị mọi thứ cho nghi lễ làm then giải hạn như vàng mã, hoa quả, gà, vịt, cá, thủ lợn… rồi lên rừng tìm bông lau, cây chuối.

Gia chủ bảo, sau khi đi xem bói thì biết, năm nay, nhiều người là tuổi lẻ, có thể gặp một số điều không may mắn hoặc có oan hồn của người đã mất theo bám. Nên quyết định đi đón bà then đến làm lễ giải hạn.

Hai bà then cùng gia đình bắt tay vào chuẩn bị những vật dụng để có thể làm cầu nối với người âm, giải hạn và cầu may. Khâu chuẩn bị này có thể kéo dài mấy tiếng đồng hồ.

Tiếng đàn tính cất lên, điệu then êm ái cất lên. Người trong làng kéo nhau đến xem rất đông, người phụ phụ thắp nén nhang, người trông con nhỏ. Các cụ già chăm chú nhìn từng động tác của bà then. Mặc dù rất đông người nhưng không có một tiếng ồn nào. Trong không khí tĩnh mịch của đêm khuya chỉ có tiếng hát then và cây đàn tính ngân vang. Nghi lễ làm then này kéo dài gần một ngày một đêm.

Hát then giải hạn của người Nùng xứ Lạng là một trong những nghi lễ phức tạp và độc đáo bậc nhất trong văn hóa hát then vùng Đông Bắc. Bà then là người làm cầu nối giao tiếp giữa thế giới âm – dương. Giới tâm linh quan niệm, âm hồn có tồn tại, dõi theo bảo vệ hoặc quấy rối người sống. Chính vì vậy, phần gọi hồn luôn được coi là hấp dẫn nhất trong nghi lễ hát then.

Để gọi được hồn của một người nào đó thì sẽ phải chuẩn bị bị rất nhiều vàng mã như: nhà, xe máy, ngựa, quần áo… Đồng thời phải chuẩn bị thêm hoa quả, nước uống, bánh kẹo và thêm một con gà và một con vịt còn sống, nhốt trong lồng.

Bà then hát những ca từ có thông tin về người cần gọi, hồn của họ sẽ nhập vào bà then. Hồn hiện lên, kể cho con cái về nơi sinh, cuộc sống bên kia. Thấy âm hồn kêu thiếu gì thì sẽ cho mang về thế giới bên kia. Kết thúc mỗi lần gọi, bà then lại giãy nảy, tựa như không thể đứng vững, khi đó là âm hồn thoát ra ngoài.

Bà then bảo rằng, khi hồn nhập vào thì người rất là mệt, hành động cũng vô thức. Khi hồn thoát ra, mọi người phải giữ để bà then khỏi ngã.

Và cứ thế, mỗi thành viên trong trong gia đình sẽ được bà then giúp giao tiếp với âm hồn của mình. Điều đặc biệt, bà then chỉ thông qua dòng chữ ghi tên tuổi, năm sinh mà vẫn tái hiện y hệt tính cách của người đó. Mọi thành viên trong gia đình đều công nhận điều đó.

Những âm hồn vất vưởng, chưa thể trở về với tổ tiên thì sẽ đeo bám và quấy rối người sống, cần phải làm lễ cầu siêu. Gia đình phải chuẩn bị mâm cỗ gồm 1 con gà luộc chín, 3 cái bánh giày, rượu, nước và một ít hoa quả. Khi chuẩn bị xong xuôi, bà then sẽ cho âm hồn nhập vào mình để giao tiếp với người thân. Âm hồn thiếu nhà cửa, phương tiện, hoặc đòi cưới vợ thì mọi người đều phải đốt vàng mã gửi xuống. Cụ thể như khi âm hồn đói khát hiện về sẽ đòi ăn rất nhiều. Lúc đó bà then có thể ăn hết mâm cỗ mà không no, uống hết chai rượu mà không say.

Tiếp đến là việc đưa âm hồn vất vưởng về trầu trời. Bà Then đặt quả trứng lên lòng bàn tay và hát đến khi nào nó tự đứng lên. Sau đó bà đặt quả trứng xuống đất, dùng con dao nhọn chọc vỡ. Bà then dùng con dao ném về phía trước, khi nào mũi dao chĩa thẳng về phía trước thì âm hồn mới siêu thoát. Sau đó mọi người vào nhà đóng chặt cửa, không để cho âm hồn nhìn thấy mà bám theo nữa.

Theo quan niệm của người dân địa phương, hát then còn có thể giúp cắt duyên số. Theo quan niệm dân gian, những người lỡ duyên hoặc lớn tuổi mà chưa lập gia đình thì có hồn ma khác giới đang đeo bám, do đó phải “cắt duyên âm”.

Xua đuổi ma quỷ cũng là một trong những nghi lễ cực kỳ quan trọng trong hát then giải hạn. Công đoạn này cũng cần một mâm cỗ như những công đoạn khác. Sau một hồi đàn hát, bà then mới lấy bát để đựng những mẩu giấy vo tròn, đổ dầu và châm lửa, đặt lên một cái xẻng. Một người thân trong nhà cầm cái xẻng có đặt bát giấy vo đi khắp trong bếp, giữa nhà và ngoài sân. Sau mỗi lần đọc “thần chú”, bà then lại ngậm ngậm một ngụm dầu rồi phun thẳng vào bát lửa đang cháy hừng hực. Sau đó bát dầu được đưa ra sân, úp xuống đất, đồng thời chiếc xẻng cũng phải đặt úp. “Người hay chơi bời, không chịu tu chí làm ăn cũng là do “ma xui quỷ khiến”, cũng phải làm then để xua đuổi tà ma, giúp họ sống tốt hơn”.

 

Chấm dứt buổi lễ giải hạn là nghi lễ “quá dầu”. Gia đình phải chuẩn bị 9 bông lau, buộc chụm ba cây lại thành một cái chạc ba chân. Mỗi thành viên trong gia đình mang theo một cái áo đã mặc, vắt trên vai, bước qua đống lửa đốt dưới chân chạc bông lau. Hành động “đốt vía” này sẽ giúp cho những âm hồn sẽ không thể làm phiền được những người đang sống nữa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *