Tình trạng trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa rất phổ biến. Do đó, việc nắm rõ một số cách chữa rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh sẽ giúp mẹ và bé dễ dàng “đánh bay” tình trạng này.
Ở người lớn, rối loạn tiêu hóa có thể không phải là một chứng bệnh nguy hiểm nhưng với trẻ sơ sinh, đây là vấn đề mà cha mẹ cần hết sức lưu tâm. Bởi tình trạng này kéo dài có thể khiến bé khó chịu, bỏ bú, bị suy dinh dưỡng, thậm chí nghiêm trọng hơn còn có bị mất nước do tiêu chảy, có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Cách chữa rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh mẹ cần lưu ý
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh có các triệu chứng đặc trưng như tiêu chảy (đi ngoài phân lỏng, phân sống), nôn ói, táo bón, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, bú kém. Ở trẻ sơ sinh, do nguồn thuốc thức ăn hoàn toàn từ sữa (sữa mẹ hoặc sữa công thức) nên nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ có thể là do:
- Trẻ không hấp thu hết
- Cách cho bú không đúng
- Chọn loại sữa không phù hợp
- Chế độ ăn của mẹ
- Trẻ dùng kháng sinh để trị bệnh.
Khi thấy trẻ sơ sinh có các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, tốt nhất, mẹ nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và được hướng dẫn cách chữa rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh phù hợp nhất.
Tránh tự ý cho trẻ dùng các loại thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy… hoặc áp dụng các bài thuốc dân gian chữa rối loạn tiêu hóa mà không thông qua sự chỉ định của bác sĩ.
- Tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc
- Tiếp tục cho bé bú mẹ, thậm chí cho bé bú nhiều hơn bình thường bởi sữa mẹ chứa nhiều dưỡng chất và kháng thể tốt cho trẻ
- Điều chỉnh chế độ ăn của bản thân để đảm bảo chất lượng sữa mẹ. Nếu bé tiêu chảy, mẹ nên ăn những thực phẩm làm tăng nhu động ruột, nếu bé táo bón, mẹ cần uống nhiều nước và tránh những món cay nóng…
- Với trẻ uống sữa công thức, bạn có thể pha sữa loãng hơn bình thường chút xíu, cho trẻ uống từ từ. Không nên đổi sữa liên tục vì điều này dễ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa: Một số mẹo chữa tại nhà đơn giản
Ngoài việc tuân thủ đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ, bạn có thể thử một số cách chữa rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh sau:
1. Nếu trẻ bị nôn trớ
Trẻ bị nôn trớ ngay sau khi bú xong hoặc khoảng vài tiếng sau khi bú là tình trạng rất thường gặp ở trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Để khắc phục, bạn nên:
- Cho bé bú đúng tư thế để sữa không trào ngược lên thực quản
- Không cho bé bú quá nhiều. Cho bé bú ít nhưng bú nhiều lần để đảm bảo dinh dưỡng và không bị mất nước. Phân chia đều đặn các cữ bú trong ngày.
- Sau khi cho bú, bạn có thể giữ bé thẳng, vỗ lưng để bé ợ hơi
- Nếu trẻ nôn nhiều, liên tục, nôn ra máu, nôn ra dịch màu xanh, bỏ bú, nôn mửa đi kèm với tiêu chảy, sốt thì cần đưa trẻ đi khám ngay.
2. Khi trẻ bị tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa
Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ có thể đau bụng, quấy khóc, đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần/ ngày, có thể kéo dài trong 1 tuần. Nếu bé bị tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa, mẹ cần:
- Chú ý bù nước cho trẻ sơ sinh bằng cách tăng thêm cữ bú. Mỗi lần cho trẻ bú lượng sữa vừa đủ, tránh ép trẻ bú nếu trẻ không muốn
- Để nguồn sữa đảm bảo chất lượng, mẹ nên ăn những món thanh đạm, giàu dinh dưỡng, không nên ăn nhiều dầu mỡ sẽ ảnh hưởng đến dạ dày của trẻ
- Nếu trẻ có dấu hiệu mất nước như khô da, khô miệng, mắt trũng sâu, lờ đờ, bỏ bú, hôn mê… cần đưa trẻ đi khám ngay.
3. Táo bón do rối loạn tiêu hóa
Còn với tình trạng trẻ bị táo bón do rối loạn tiêu hóa, mẹ có thể:
- Chọn lúc bé thấy thoải mái, không no hay đói quá để massage cho bé. Đầu tiên, mẹ làm ấm bàn tay rồi xoa lên xoa xuống 2 bên sườn. Sau đó, xoa thành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ lên bụng và ngược lại. Nắn nhẹ chân con, co đầu gối, ép nhẹ đầu gối lên bụng rồi duỗi chân ra. Thực hiện 2 lần mỗi ngày, mỗi lần 5 phút.
- Nếu trẻ bú bình, mẹ có thể pha loãng sữa hơn hướng dẫn một chút. Tăng số lượng các cữ bú để cung cấp đủ chất lỏng cho cơ thể.
- Với những bé bú mẹ, mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn của bản thân, ăn nhiều rau xanh, trái cây…
- Đưa trẻ đi khám nếu tình trạng táo bón ở trẻ không giảm, trẻ sút cân, bỏ bú do khó chịu…
Ngoài những cách chữa rối loạn tiêu ở trẻ sơ sinh trên, để giảm nguy cơ trẻ gặp phải tình trạng này, bạn cần chú ý nhiều hơn trong việc giữ vệ sinh. Chẳng hạn như rửa tay bằng xà phòng trước khi tiếp xúc, chăm sóc bé và không cho bé mút tay hoặc ngậm đồ chơi để tránh nhiễm khuẩn đường ruột.
Các bài viết của Khỏe Đẹp Plus chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.