Hãy cho bản thân quyền được thất bại

Bởi ngoài thành công, còn có một cuộc đua khác dành cho những ai có thể giữ bình tĩnh nhất khi đối mặt với sự thất bại.

(Adam Niklewicz)

Mỗi người sẽ có định nghĩa khác nhau về sự thành công. Tuy nhiên, chúng ta cần lách mình ra khỏi cái bẫy của “văn hóa hối hả”, áp lực đồng trang lứa hay những chuẩn mực thành công mà xã hội đã áp lên cuộc sống của vài nhóm người. Chúng ta mãi mãi chạy theo một cái gì đó – có thể là tiền bạc, thành công hay danh tiếng, nhưng cuối cùng khi dịch bệnh xảy ra, sự bình an, thực phẩm, và những điều bình dị nhất mới là thứ ở lại với ta đến tận cùng.

Sự nổi lên của phong cách Cottagecore như cánh tay ủi an cho những người muốn rời xa văn hóa hối hả của vòng luẩn quẩn thành – bại. Nhiều người cũng vay mượn lối sống “biết đủ” của mình để chứng minh rằng họ không cần những chiến thắng vật chất để có được hạnh phúc. Đằng sau sự yên bình của Cottagecore, một mảnh vườn thơ mộng, những món ăn giản dị, một cuộc sống với tất cả những điều tự thân,… đó là điều mà không phải ai cũng có thể đạt được. Ý tưởng căn nguyên của lối sống này nhắc ta nhớ về việc không phải lúc nào cũng phải làm điều gì đó vượt trội, không phải sự thi vị đồng quê nào cũng bắt nguồn từ những cuộc tháo chạy khỏi thành thị, càng không hẳn là vì thất bại mới muốn quy ẩn,… mà đó là một sự chọn lựa, một kế hoạch an ổn và hành trình quay về với thiên nhiên từ chính những người đã đi qua hết thảy chênh vênh của thành – bại, được – mất.

(Stephan Schmitz)

Theo thời gian, ta lớn lên và mạnh mẽ hơn hôm qua một chút, ta nên nhắc nhở mình về việc chúng ta có quyền được tự do thất bại. Có người đã thất bại nhiều lần sau nỗ lực, có người đã từng có tất cả ở tuổi trẻ để rồi chóng vánh đánh mất chúng, hoặc có người đã thất bại triền miên cho đến khi trở thành một đóa hoa nở muộn (late bloomer) ở tuổi trung niên. Và cho dù lý do dẫn đến sự thất bại đó là gì, chỉ mong bạn không từ bỏ lòng tin về một khía cạnh tươi sáng khác của sự thất bại: bài học về sự bình tĩnh chấp nhận và đối mặt với sự thất bại. Và đôi khi, quyền tự do thất bại là lời an ủi dịu dàng và lời động viên mạnh mẽ nhất dành cho những người ‘đứng ngoài lề định nghĩa thành công’ trong suốt đời mình.

Vì thất bại là kết quả dễ xảy ra hơn, nên hãy chủ động học từ những thất bại trước khi bị nó nhấn chìm

Ở Hy Lạp cổ đại, một đất nước sớm đã phát triển trimerene – một con tàu chiến thống trị ở Địa Trung Hải trong suốt thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên nhưng đồng thời cũng chú trọng vào phát triển bi kịch để truyền tải một sự thật rằng: bạn có thể rất giỏi nhưng, bất chấp mọi thứ, kết cuộc vẫn rối tung lên.

Có một số tài liệu cho rằng nguồn gốc bi kịch Hy Lạp có liên quan đến các nghi lễ được thực hiện trong giáo phái Dionysus (vị thần rượu nho của Hy Lạp). Mỗi năm một lần, tại các lễ hội lớn ở các thành phố chính, tất cả người dân được mời đến để chứng kiến ​​những câu chuyện thất bại kinh hoàng và thường nhuốm màu rùng rợn: những người phạm luật, những người quyết định vội vàng, những người vô tình ngủ với người khác và sau đó phải chịu đựng sự trừng phạt. Thất bại xảy đến một cách cực kỳ nhanh chóng, đến từ những việc tưởng như không thể và kết cuộc đều nhận trừng phạt.

Còn với xã hội hiện đại, con người gặp khó khăn hơn trong việc thừa nhận rằng một người thực sự tốt, chăm chỉ, giàu có,… có thể trở thành người thất bại. Đổ lỗi cho một thế giới rất bất công vẫn luôn là rào cản sừng sững kéo chúng ta ngày một xa khỏi cơ hội thành công hơn.

(Blogger on Adobe)

Trong thể thao, thất bại đôi khi lại là một phần không thể chối bỏ. Mọi vận động viên đều muốn đạt được mục tiêu của mình, tuy nhiên, hành trình đó thật chẳng dễ dàng. Các chuyên gia tin rằng, giúp các vận động viên hình dung trước được những gì họ có thể đối mặt sẽ giúp họ không bị gục ngã bởi thất vọng. Điển hình trong số 10,500 vận động viên đang tranh đấu cho huy chương vàng Olympic London, chỉ có 302 vận động viên sẽ thắng. Số còn lại phải đối mặt với thất vọng, giận dữ và xấu hổ đi kèm với sự thất bại.

Thay vì chỉ tập trung tung hô những người chiến thắng, ngợi ca những anh hùng, chúng ta cần mở rộng lòng mình với những kẻ bình thường thậm chí là những người trải qua nhiều thất bại. Bởi hầu hết những sai lầm ấy mới mang theo những bài học đắt giá nhưng hầu hết đều bị phớt lờ, một số ít bị ghét bỏ. Tất cả chúng ta đều ít nhất vài lần đứng trên bờ vực của thành công và thất bại. Ranh giới ấy đôi khi rất mỏng manh, và làm sao để không bị nhấn chìm bởi những sai lầm lặp lại đôi khi cũng là một loại thử thách. Bạn có quyền được tự do thất bại, vì:

“Nếu bạn không học hỏi được gì từ những sai lầm của mình, thật uổng phí khi bạn phạm phải sai lầm đó.’’

Đối diện và tìm cách vượt qua nỗi sợ thất bại cũng là một cách “bình thường hóa” sự thất bại

Thất bại là điều không thể tránh khỏi, và cứ mỗi lần đối diện với thất bại, chúng ta lần nữa khám phá giới hạn chịu đựng của bản thân để hiểu rằng mình có thể đi thêm bao xa, hoặc mạnh mẽ đứng dậy thêm một lần nữa. Sự tự tin sâu sắc nhất không đến từ một khoảnh khắc vượt qua vạch đích mà là ở hàng nghìn hàng vạn khoảnh khắc mà bạn trải qua để đưa tiến về đích.

(Broken Vase)

Nỗi sợ thất bại thường là thứ khiến chúng ta tê liệt và không thể hành động quyết liệt hơn ở những lần sau đó. Ngay cả những doanh nhân thành công bậc nhất như Bill Gates hay Mark Zuckerberg cũng mang trong mình những nỗi sợ hãi riêng. Duy thái độ vượt qua nỗi sợ, và tìm cách khai thác năng lượng của nó để làm việc chăm chỉ hơn, nhanh hơn và tốt hơn là điều khiến họ có được những thành tựu như hiện tại.

“Bạn có thể gặp phải nhiều thất bại, nhưng bạn không thể bị đánh bại. Trên thực tế, đối mặt với thất bại là điều cần thiết, nhờ đó bạn có thể biết được bạn là ai, bạn có thể làm gì và làm thế nào để thoát khỏi nó.” – Maya Angelou

(Amber Day)

Trên thực tế, thừa nhận thất bại là một bước chuyển mình để đánh giá khả năng thành công trong tương lai. Hay nói cách khác đó là tâm thế đối diện với sự mất mát, hoang mang, sự sợ hãi để linh hoạt tìm ra giải pháp. Như câu chuyện của hai chú chuột Nhạy Bén và Nhanh Nhẹn đã lên đường đi tìm miếng phomat của đời mình thì Ù Lì và Chậm Chạp dần kiệt sức vì đói khi chỉ mãi chôn chân trong niềm hy vọng những mảnh phomat cuối cùng đừng bao giờ vơi đi. (Quyển sách “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” của Tiến sĩ Spencer Johnson).

Và đôi khi, thất bại khiến bạn phải suy nghĩ lại về định nghĩa thành công của riêng mình. Liệu rằng khi lùi lại một bước, học cách đặt lại kỳ vọng, chúng ta có còn thấy kết quả này là một sự thất bại nữa không?

Ngoài thành công, chúng ta vẫn bình đẳng để cạnh tranh trong cuộc đua về lòng tốt, sự tử tế, tình bạn và sự thứ tha

Chúng ta không thể cứ mãi chiến thắng mà không bao giờ chiến bại. Khi chúng ta thất bại trong một số cuộc đua nhất định của cuộc đời, chúng ta vẫn có nhiều cơ hội để rèn luyện và phát triển sức mạnh nội lực để giành chiến thắng ai đó khác hoặc đơn giản là bước qua nỗi sợ thất bại của chính mình.

(Juliette Borda)

Khi chúng ta đang đứng giữa vô số cách thức dẫn đến thành công thì những đứa trẻ sơ sinh lại chọn thích những người chiến thắng bằng sự tử tế. Trong một cuộc thí nghiệm, có 22 trẻ mới biết đi từ 21–31 tháng tuổi đã được xem một cuộc xung đột giữa hai con rối. Trong lượt đầu tiên, ghi nhận có 20 trẻ phản ứng tích cực với con rối chiến thắng vì sự ôn hòa, tử tế. Tuy nhiên, ở lượt sau, có đến 18 trẻ phản ứng gay gắt đối với những con rối dùng vũ lực hạ gục con rối khác để giành chiến thắng. Bài thí nghiệm nhỏ này phần nào gợi nhắc về nguyên nhân sâu xa tạo ra chiến thắng (hoặc sự thành công) nằm ở cách làm quân tử. Dù cho ta đã từng chán nản và cảm thấy bị thế giới bỏ lại sau nhiều lần thất bại, hãy tin rằng đó là cơ hội để ta mạnh mẽ đứng lên một lần nữa. Mỗi một hành trình đã qua đều để lại lòng biết ơn, sự tha thứ, lòng bao dung và sự tử tế,… Đây là những điều khắc cốt ghi tâm mà những người “thất bại có thể học cách “chiến thắng” một cách đúng đắn và có ích vào khoảnh khắc quan trọng nhất của đời mình.

Sau mỗi hành trình nằm lại “hố sâu”, ta vẫn thấy mọi cơ hội vẫn còn đó, lấp lánh và thanh sạch. Và đó là lý do chúng ta không ngừng vươn lên, tiến về phía trước. Ta không cố gắng tẩy trắng những sai lầm, nhưng cũng không chìm đắm trong đó. Mỗi người đều có quyền tự do thất bại. Và dù cho chúng ta không bao giờ có thể cạnh tranh trong cuộc đua về danh tiếng, danh dự hay tiền bạc, nhưng chúng ta vẫn bình đẳng để cạnh tranh trong cuộc đua về lòng tốt, sự tử tế, tình bạn và sự thứ tha.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *