Hạnh phúc: Món quà hay lời nguyền?

Nếu hạnh phúc không phải một đích đến, thì có thể là điều gì đây?

“Tôi không muốn tìm kiếm hạnh phúc”

“Hạnh phúc” là gì? Không có nhiều người trả lời tường tận được câu hỏi này. Người thì nói cứ đáp ứng đủ những thang bậc trên tháp nhu cầu của nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow thì đó là hạnh phúc, với từ điển Webster, “ hạnh phúc” (happiness) là trạng thái tận hưởng và hài lòng với cuộc sống. Có nghĩa bất kể bạn làm nghề nghiệp gì, có gia đình hay không có gia đình, có nhiều tiền hay không có nhiều tiền, thành công hay không thành công, bạn hoàn toàn có thể là một người hạnh phúc. Nhưng, cũng với từng ấy yếu tố, bạn cũng có thể được định nghĩa như một kẻ thất bại. Chung quy lại, tất cả đến từ cách bạn cảm thụ cuộc sống của mình. Đến lúc nào đó, “hạnh phúc” chỉ dừng lại ở một mỹ từ, một kiểu “xa xỉ phẩm” ai cũng đeo đuổi trong tâm niệm; hay một chủ đề phổ biến, xuất hiện đều đặn trong những cuộc hội thoại, diễn văn hay thậm chí là workshop về thái độ sống hay kĩ năng mềm.

Tôi thích cách dùng từ “vui” trong tiếng Việt. Vui cũng là trạng thái tận hưởng và hân hoan. Và điều này dường như gần với cách tiếng Anh sử dụng từ “happy “hơn cả. Khi ai đó hỏi bạn rằng, “Are you happy today?”, có nghĩa họ muốn biết bạn có vui vẻ vào ngày hôm đó không? Bạn có đang hân hoan và thỏa mãn hay không? Nhưng đối với tiếng Việt, khi nói về hạnh phúc, cũng đồng nghĩa với một phạm trù lớn hơn hẳn. Khổng lồ hơn hẳn. Hạnh phúc đối với chúng ta, thường là đích đến của chuyến hành trình cuộc đời. Là một thước đo giá trị của cuộc sống đối với mỗi cá thể trong xã hội. Và, nếu bạn nói rằng bạn không hạnh phúc, thì bạn chỉ có thể thuộc về nhóm số hai: có một cuộc đời bất bạnh, không một chút niềm vui. Hình ảnh bạn trong mắt mọi người sẽ thu hẹp lại chỉ bằng những nỗi buồn chán, mất mát nào đó.

(Olga Semklo)

Sự tồn tại của một định nghĩa phổ biến ấy điều khiển vô số trái tim và bộ óc hướng đến một cái đích cuối cùng của cuộc đời chính mình. Nó thâu tóm để gây ảnh hưởng đến tất cả những việc người đó làm hay những quyết định từ vụn vặt đến to lớn, bao gồm việc hít thở, việc đi học, việc tham gia một lớp học ngoại khóa, việc chọn một ngành học, một trường học, việc gắn bó với công việc mình đã không còn yêu thích nhưng cung cấp đủ cho bạn nguồn tài chính và sự thăng tiến cam kết, việc yêu thương người này nhưng lại kết hôn với người khác, việc cân nhắc đắn đo giữa việc cầm cuốn sách về những bài học làm giàu lên đọc, chỉ bởi “ các khóa học thành công khuyên vậy” hay bạn thực sự hứng thú với chúng … Khái niệm ấy, đã âm thầm ẩn náu trong ý thức và vô thức, khi người ta thực hiện mỗi hành động hàng ngày của mình, suy cho cùng, để đến một lúc nào đó họ có thể mỉm cười và tin rằng mình đã chạm đến ngưỡng hạnh phúc.

Nhân vật Christopher trong bộ phim lấy cảm hứng từ cốt truyện có thật Into the Wild là một kẻ say mê với viễn cảnh được sống giữa thiên nhiên hùng vĩ và những chuyến phiêu lưu. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1990, Christopher chọn cách rời xa cuộc sống mà anh ta đang có để đi đến một công viên quốc gia hẻo lánh ở bang Alaska và sống một mình trên chiếc xe bus cùng với những trải nghiệm với thiên nhiên và con người Christopher đã luôn mơ đến. Chỉ đến khi cuộc sống trở nên khó khăn hơn ở vùng đất khắc nghiệt này, anh ta mới nhận ra thiên nhiên cũng chỉ là một phiên bản khác của chính cuộc sống anh đã từ bỏ: cũng có lúc tàn nhẫn và phụ bạc, và hạnh phúc chỉ có thể được tìm thấy khi nó được chia sẻ với người khác, chứ không phải có thể cứ rong ruổi một mình là xong. Mọi chuyện không dễ dàng như vậy.

Vậy là đã rõ, đối với Christ, hạnh phúc đã từng là một viễn cảnh A, cho đến khi anh ta trải nghiệm nó, và ngộ rằng thì ra viễn cảnh B sẽ khiến anh ta thỏa mãn hơn.

Đó không phải là câu chuyện của riêng Christopher, đó còn là câu chuyện của mỗi người. Giả dụ ai cũng giống như anh ta, đâu đó trên hành trình cuộc đời họ thỏa mãn vô cùng, họ cảm thấy rằng mình đã hiểu thế nào là hạnh phúc. Vậy tiếp sau đó sẽ là gì? Sự hụt hẫng của chế độ cảm thức? Hay tệ hơn là sự lúng túng với chính những sải bước tiếp theo?

(Olga Semklo)

Nếu không hạnh phúc, thì sao?

Tác giả Matthew Inman (người từng chiến thắng giải thưởng Eisner Award và là tác giả best-seller của New York Times) vẽ một cuốn truyện tranh ăn khách có tựa đề How to be Perfectly Unhappy. Trong cuốn sách này, Inman nhìn khái niệm “hạnh phúc” ở khía cạnh hoàn toàn mới, khi trên thực tế có nhiều người không có cảm giác “hạnh phúc” một cách hoàn hảo, và bản chất của hành trình cuộc sống cũng không phải một chuỗi độc tôn những hưng phấn và niềm vui. Anh cho rằng con người là sự cấu thành của tất cả những cảm xúc đời thường cân bằng bởi sự tiêu cực và tích cực. Với những người nói rằng họ không hạnh phúc, hay họ không kiếm tìm hạnh phúc, thực chất họ có thể là những người nắm giữ bí mật của việc tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.

(Matthew Inman)

Tán tụng “Hạnh phúc” bao nhiêu thì người ta càng kì thị “Nỗi buồn” bấy nhiêu. Định kiến với nỗi buồn chỉ được hóa giải phần nào khi nghiên cứu mới nhất được thực hiện của nhà tâm lý học nổi tiếng người Úc-Joe Forgas đề cập đến bảy lợi ích của “nỗi buồn”: bao gồm cải thiện trí nhớ, tăng thêm độ chính xác cho những đánh giá cảm tính, tăng độ nhạy cảm và lịch sự, những người trải qua nỗi buồn thường có thế giới quan cởi mở hơn, công bằng hơn. Cuối cùng, những người đang trải qua những nỗi buồn thường là những người chủ động giải quyết những nhiệm vụ khó khăn trong khi những người luôn ở trong trạng thái vui vẻ lại thường bỏ cuộc khá dễ dàng. Và nếu người ta cố gắng né tránh những xúc cảm tiêu cực như buồn bã, giận hờn, thất vọng, cô đơn… làm thế nào họ có thể đủ nhạy cảm với những niềm vui hay sự thỏa mãn đơn thuần đến với bạn trong một khoảnh khắc cụ thể, từng ngày.

“Tán tụng “Hạnh phúc” bao nhiêu thì người ta càng kì thị “Nỗi buồn” bấy nhiêu.”
Có nhiều người tiêu tốn thời gian và cơ hội được trải nghiệm bằng việc hoạch định hạnh phúc của mình trong một tương lai mập mờ. Trong khi, một số người lại lãng phí thời gian vào việc dằn vặt và lo âu bởi vì mình không cảm thấy “hạnh phúc”. Họ không nhận ra, rằng chính những trải nghiệm của họ là thước đo quý giá nhất, những trải nghiệm kéo dài theo những năm tháng tuổi thơ, tuổi trẻ, rồi tuổi trưởng thành, để không chỉ làm trọn vẹn một cá thể theo cách làm họ mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn trước mỗi tình huống bất ngờ trong cuộc sống. Hãy tưởng tượng chưa bao giờ có một khái niệm như “hạnh phúc” tồn tại, chất lượng của đời sống tinh thần và vật chất của con người chỉ được cân đo đong đếm bằng những trạng thái cảm xúc thỏa mãn và tận hưởng.

Và hãy thử đếm, có bao nhiêu khoảnh khắc trong cuộc sống bạn cảm nhận chính xác những khoái cảm tinh thần ấy?

Tờ Huffington Post đã có một cuộc khảo sát rất thú vị vào năm 2011, theo đó, họ hỏi 100 người được chọn ngẫu nhiên về định nghĩa của họ cho từ “happiness” (hạnh phúc), và thu về những định nghĩa mang tính cá nhân và cụ thể tối đa:

Hạnh phúc là hát với chú chó của tôi mỗi buổi sáng.

Hạnh phúc là nhìn mặt trời dần nhô lên từ phía đường chân trời.

Hạnh phúc là lắng nghe tiếng mưa rơi trên dịu dàng trên mái tôn.

Hạnh phúc là tiếng một chú cún con đang thở, tia nắng trên làn da hay một cái ôm thực sự.

Hạnh phúc là lắng nghe tiếng con tôi cười sảng khoái.

Hạnh phúc là mùi của trang trại của ông ngoại tôi.

Hạnh phúc là có một nơi bình yên để gọi là nhà.

Hạnh phúc là làm việc chăm chỉ.

Hạnh phúc là nói “I love you” và được nghe họ nói “I love you” với mình.

(Olga Semklo)

Danh sách còn dài, nhưng như vậy cũng đủ hiểu rằng, mỗi người có một định nghĩa khác nhau về hạnh phúc, đó là mùi hương, là âm thanh, là một hình ảnh, một màu sắc, một cái chạm, một tiếng thở. Ai rồi cũng có rất nhiều thời điểm hạnh phúc như thế, sự khác biệt ở đây chỉ là, người ta có gọi đó là hạnh phúc hay không? Họ có tận hưởng nó đủ không? Và rốt cục là trân trọng chúng như cách họ tiếp cận hạnh phúc hay không mà thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *