Gỡ nút thắt để du lịch Việt Nam cất cánh

Khỏe Đẹp Plus – Bức tranh du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, xếp hạng tăng từ 75/141 quốc gia năm 2016 lên 63/140 quốc gia năm 2019. Việt Nam được chọn là điểm đến du lịch, văn hóa, ẩm thực hàng đầu châu Á cùng nhiều giải thưởng danh giá khác…

Những địa điểm du lịch Thái Lan khiến bạn mê mẩn quên lối về

Ấn tượng top 10 điểm tăng trưởng du lịch của thế giới

Năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Hạ tầng du lịch được đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách. Đến nay, cả nước có 166 khách sạn 5 sao, 291 khách sạn 4 sao, các thương hiệu quốc tế lớn trên thế giới đều hoạt động tại Việt Nam…

Nhìn vào năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành năm 2019 cho thấy, hiệu quả hoạt động của ngành du lịch Việt Nam đã tăng đáng kể. Thế mạnh giá cả cạnh tranh và tài nguyên thiên nhiên, văn hóa phong phú, đã tạo ra sự hấp dẫn cho khách du lịch.

Tuy vậy, ngành du lịch vẫn phải đối diện với thách thức ở phía trước. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch, Lê Quang Tùng đã chỉ ra những điểm nghẽn của du lịch Việt Nam là năng lực cạnh tranh còn nhiều chỉ số ở mức thấp như nhân lực và thị trường giảm 10 bậc, chỉ số bền vững về môi trường và hạ tầng về du lịch xếp vào nhóm thấp nhất thế giới; công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng được lượng khách ngày càng lớn, chính sách thị thực nhập cảnh còn nhiều hạn chế…

Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến năm 2025 với tổng thu dự kiến 45 tỉ USD, du lịch cần gia tăng mạnh về chất lượng, độ quảng bá và giải quyết được các điểm nghẽn của du lịch.

Tuy đứng đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng du lịch nhưng số lượng khách trở lại Việt Nam tương đối thấp. Để cải thiện tình hình này cần nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi các vấn đề gia hạn và miễn visa, hợp tác với các hãng hàng không, mở đường bay thẳng đến châu Âu, nâng cao khả năng quá cảnh… Việc ứng dụng công nghệ, cải thiện trang web xin visa điện tử cũng sẽ cải thiện trải nghiệm dịch vụ và góp phần thu hút khách du lịch nhiều hơn.

Tuy ngành du lịch có nhiều nút thắt cần phải giải quyết nhưng đây không phải là vấn đề đáng buồn mà thực chất là dấu hiệu tích cực cho thấy du lịch Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ. Trước hết là về hạ tầng cơ sở, như hạ tầng sân bay của Việt Nam hiện tại đều rất quá tải. Vì vậy, xã hội hóa nguồn vốn là một giải pháp quan trọng. Kế tiếp là bổ sung nguồn nhân lực cho ngành du lịch nói chung, ngành hàng không nói riêng.

Muốn thu hút khách phải có sản phẩm, có thể là sản phẩm của quốc gia, của địa phương, của doanh nghiệp. Vấn đề cải thiện, nâng cao chất lượng, trải nghiệm điểm đến phải được thực hiện thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ, hạ tầng, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ hỗ trợ trải nghiệm du lịch…

Việt Nam có lợi thế về giá cả cạnh tranh và tài nguyên, thiên nhiên, văn hóa phong phú đã tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỉ lệ quay trở lại thấp (từ 10-40%). Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao, trung bình khoảng 1.000 USD cho một chuyến du lịch dài 9 ngày. Một nguyên nhân được chỉ ra là sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, thiếu gắn kết, các hoạt động giải trí, mua sắm, chăm sóc khách chưa đa dạng… Do đó, cùng với mục tiêu tăng trưởng nhanh về số lượng, ngành du lịch cần tìm giải pháp để tăng cường trải nghiệm cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ điểm đến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *