Chân dung các doanh nghiệp dùng hóa chất tẩy rửa làm nước mắm vừa bị xử phạt

Khỏe Đẹp Plus – Trong các doanh nghiệp nước mắm vừa bị thanh tra bộ NN&PTNT phát hiện sai phạm và xử lý, có doanh nghiệp đã có lịch sử hơn 100 năm tuổi sản xuất nước mắm.

Ảnh hưởng của nước mắm được làm từ soda công nghiệp đến sức khỏe con người như thế nào?

Mới đây, Thanh tra Bộ NN-PTNT vừa công bố báo cáo kết quả thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nước mắm ở các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh. Theo đó, có 4 công ty bị xử phạt và bêu tên vì những sai phạm. Đặc biệt, Thanh tra phát hiện nhiều cơ sở dùng hóa chất tẩy rửa làm nước mắm.

Phiếu kết quả kiểm nghiệm các mấu nước mắm của 4 công ty bị bêu tên.

Doanh nghiệp đầu tiên được nhắc đến là Công ty TNHH MTV Điều Hương (ấp Hòa Phú 1, thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang). Doanh nghiệp này đã có lịch sử 25 năm đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, do ông Lê Văn Điệp làm đại diện Pháp luật.

Đoàn thanh tra đã phát hiện doanh nghiệp này sử dụng nước bột ngọt Vedan có độ a xít cao và bột soda (Na2CO3) để sản xuất nước mắm bán thành phẩm. Nước mắm bán thành phẩm của công ty này có mùi chua, màu nâu đen và vẩn đục.

Hình ảnh giới thiệu thương hiệu nước mắm Liên Thành.

Đơn vị thứ 2 là Công ty TNHH Thực phẩm Tấn Phát (tại Tổ 1, ấp Tân Đông, Tân Quới, Bình Tân, Vĩnh Long). Doanh nghiệp này có tên giao dịch là Tan Phat Foods Limited Company, đăng ký kinh doanh năm 2013, do ông Mạch Quốc Cường (trú tại số 1705 tổ 4, khóm 3, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) làm đại diện pháp luật.

Doanh nghiệp này đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản là ngành chính. Tại công ty này, đoàn thanh tra phát hiện ở khu vực các bể dịch đạm có 1 gian nhà kho chứa 345 bao soda loại 50kg.

Doanh nghiệp tiếp theo trong danh sách này là Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (địa chỉ tại số 47 Trần Phú, phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Theo thông tin công bố, doanh nghiệp này thành lập từ năm 1992, do bà Đặng Thị Hồng làm đại diện pháp luật, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề trong đó có ngành nghề chính là Chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản.

Hình ảnh giới thiệu nước mắm Hòa Hiệp.

Doanh nghiệp này có một cơ sở sản xuất ở ấp Thủy Thuận (An Phước, Mang Thít, Vĩnh Long), một kho ủ cá ở ấp An Thành (An Bình, Long Hồ, Vĩnh Long). Ngoài ra doanh nghiệp này có văn phòng đại diện tại 138/8 Trương Công Định (phường 14, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) và nhà phân phối nước mắm tại miền Bắc ở số 23 ngách 32/15 phố An Dương (Tây Hồ, Hà Nội).

Trong quá trình bị thanh tra, đại diện công ty này báo cáo rằng đã sử dụng hóa chất soda xuất xứ Trung Quốc để trung hòa a xít trong nước bổi cá.

Được biết, theo quy định, hóa chất soda (Na2CO3) là hóa chất công nghiệp (không có trong danh mục chỉ định dùng cho thực phẩm và sản xuất thực phẩm để chế biến nước mắm bán thành phẩm tại một số doanh nghiệp để phục vụ cho sản xuất nước mắm).

Một doanh nghiệp cũng bị thanh tra xử phạt lần này là Công ty CP Chế biến thủy sản sản Liên Thành (ấp 4, Tân Kiên, Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Tuy nhiên hiện nay thông tin về lý do xử phạt đối với doanh nghiệp này đang gây tranh cãi. Theo công bố, 3 doanh nghiệp còn lại đã bị phát hiện xử lý về việc sử dụng hóa chất tẩy rửa chế biến nước mắm. Riêng doanh nghiệp Liên Thành, mới đây công ty này lên tiếng khẳng định rằng mình bị thanh tra xử phạt vì tại khu sản xuất nước mắm của phân xưởng 4 có khu xử lý nước thải bị ứ đọng (cống rãnh bị ngập nước thải), không được che kín. Doanh nghiệp này cho rằng việc này không liên quan đến hóa chất.

Theo thông tin giới thiệu trên website của doanh nghiệp, công ty này có nhiều cơ sở ở TP Hồ Chí Minh, có lịch sử hơn 100 năm và sản xuất nhiều mặt hàng từ nước mắm.

Doanh nghiệp này sản xuất và phân phối ra thị trường hàng chục loại nước mắm với rất nhiều nhãn hiệu từ cao cấp đến bình dân như: Nước mắm Cốt Nhỉ Tự Nhiên, Nước mắm Nhãn Ngọc, Nước mắm Nhãn Vàng, Nước mắm Nhãn Bạc, Nước mắm Nhãn Đồng, Nước mắm 120g Protein/lít, Nước mắm 20 độ đạm, Nước mắm Nhãn Đỏ. Đặc biệt, doanh nghiệp này còn sản xuất sản phẩm quà Tết như: Hộp Quà Cốt Nhỉ Tự Nhiên, Hộp Quà Nhãn Ngọc, Hộp Quà Nước mắm Chay,..

Trước đó, Thanh tra Bộ NN-PTNT công bố đã phát hiện, tiêu hủy hơn 48 tấn Soda công nghiệp (chuyên dùng để sản xuất xà phòng và chất tẩy rửa vệ sinh) tại một số doanh nghiệp để phục vụ cho sản xuất nước mắm.

Trong năm 2019, Thanh tra Bộ NN-PTNT và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện một số vi phạm tại 4 công ty sản xuất nước mắm và nước mắm bán thành phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang, Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh. Tại các cơ sở được thanh tra, nguyên liệu dùng trong sản xuất nước mắm gồm dịch bột ngọt của Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam (dung dịch có tính axit, công bố dưới dạng phụ gia thực phẩm) hoặc dùng dịch nước tôm, dịch bổi cá (nước đầu của việc ủ cá với muối).

Về nguyên liệu Soda công nghiệp (chuyên dùng cho sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh) được sử dụng để khử axit trong dịch bột ngọt. Còn nguyên liệu nước bột ngọt Vedan (nước bột ngọt) là phụ phẩm của quá trình sản xuất bột ngọt được sản xuất ra ở công đoạn sau kết tinh Acid Glutamic, hóa chất HCl được cho thêm vào để hỗ trợ chế biến.

Thanh tra Bộ đã ban hành 4 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt số tiền 782 triệu đồng với 4 công ty.

Theo đánh giá của phòng Thanh tra chuyên ngành 1 – Thanh tra Bộ NN-PTNT, việc phát hiện một số công ty sử dụng dịch bột ngọt, nước dịch tôm, cá và cacbonat (Na2CO3) là hóa chất công nghiệp để sản xuất và chế biến nước mắm là hết sức nghiêm trọng, vi phạm về an toàn thực phẩm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *