Khỏe Đẹp Plus – Những ngày đầu tháng 12, khi lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cùng các cơ quan chức năng liên tiếp bắt giữ lô hàng tân dược và dược liệu với số lượng “khủng” không có hóa đơn, chứng từ, nhập lậu vào Việt Nam khiến dư luận “dậy sóng”, bởi đây là những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Kiểm tra 3 xe ô tô “lộ” thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không giấy tờ
Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Nhiều vụ kinh doanh, buôn bán hàng tân dược, dược liệu nhập lậu đã bị bắt giữ. Điển hình như: Ngày 6/12, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) đã thu giữ hơn 143.000 đơn vị thuốc, với trị giá hơn 1,7 tỷ đồng tại một căn hộ ở tòa chung cư Hà Nội Center Point, đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Các lực lượng chức năng kiểm tra kho dược liệu
Ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng Đội QLTT số 1 – cho biết, đây là vụ việc điển hình kinh doanh thuốc tân dược được nhập lậu, sau đó lợi dụng các căn hộ trong khu chung cư để cất giấu, sử dụng giao dịch, chào bán trên mạng xã hội.
Lô hàng gồm thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị một số bệnh về máu, thận, dạ dày – vốn dĩ những loại thuốc này phải được kiểm soát nghiêm ngặt, có chỉ định của bác sĩ mới được sử dụng vì liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Đặc biệt, nhãn mác toàn bộ số thuốc thu giữ được có xuất xứ ở nước ngoài như: Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Pháp… nhưng chủ hàng không cung cấp được bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thuốc.
Không chỉ thuốc tân dược, ngay cả những loại sâm, tam thất và các dược liệu khác… cũng được nhập lậu vào Việt Nam. Ngày 15/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã triệt phá đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa là dược liệu qua biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Theo đó, thu giữ khoảng 100 tấn thuốc bắc Trung Quốc không hóa đơn, nguồn gốc được ngụy trang bằng hoa, quả khô để đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Hàng lậu số lượng “khủng” được vận chuyển bằng xe container, thông qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn).
Điều đó cho thấy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là nhóm hàng dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền diễn ra ngày một đa dạng, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng. Để kịp thời khắc phục tình hình đó, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc và đề cao trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17 nêu rõ. Theo đó, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài; phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp và kiên quyết đấu tranh, từng bước đẩy lùi tệ nạn này.
Vụ việc thu giữ lô thuốc tân dược gần 2 tỷ đồng và hơn 100 tấn dược liệu một lần nữa “dấy” lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thuốc tân dược, dược liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc đang có dấu hiệu ngày càng tràn lan, công khai trên thị trường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.
Theo Tuệ Minh/ Công Thương