Chẳng ai biết, nghề bánh tráng Phú Hòa Đông ra đời khi nào, nhưng người dân ở đây kể rằng, từ khi lớn lên đã có nhiều người làm bánh tráng, và cứ thế các lò bánh được truyền từ đời này sang đời khác.
Để tráng bánh theo phương pháp truyền thống, gạo sau khi ngâm cho ngậm
nước sẽ được xay thành bột, pha cùng muối để tạo nên một hỗn hợp. Để tráng bánh, người thợ dùng một chiếc nồi có nước ở bên trong, căng lên mặt nồi một tấm vải sạch. Khi nước trong nồi sôi, hơi nước nóng bốc lên mặt vải, người thợ sẽ dùng gáo để múc bột dàn thật mỏng lên tấm vải và chờ bánh chín.
Để lấy bánh, người thợ dùng một chiếc cống luồn dây bánh, gỡ ra trải lên một chiếc liếp được đan bằng tre, sau đó mang ra phơi nắng. Động tác phải thật nhanh và khéo, bởi chỉ cần vụng về hay run tay, bánh tráng sẽ không tròn đều mà co dúm lại, cái đó coi như bị hư.
Ảnh: Bánh tráng Phú Hòa Đông được phơi thật mỏng.
Lò tráng bánh có thiết kế rất đặc biệt, phải do những người thợ có nghề mới làm được. Nguyên liệu đốt có thể là củi, trấu, mạt gỗ, mùn cưa,… tạo nhiệt cho hơi nước nóng lên mà chín bánh chứ không dùng lửa trực tiếp như cách nấu thông thường.
Gắn bó với người làm bánh tráng đều có sự vất vả không đong đếm được, nhưng bù lại những chiếc bánh tráng ở Phú Hòa Đông, đều có hương vị đặc biệt mà không nơi đâu có được.
View More: