5 dưỡng chất giúp phổi khỏe

Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh, protein và carbohydrate phức hợp như trái cây, rau xanh có thể tăng cường sức khỏe cho phổi.

Chất béo lành mạnh

Chất béo là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống. Chúng tham gia vào nhiều quá trình xây dựng cấu trúc cơ thể như màng tế bào, thị giác, xương, hệ miễn dịch, não… Chất béo có lợi hay gây hại tùy thuộc vào loại, hàm lượng sử dụng.

Mỗi người nên bổ sung axit béo omega-3 như cá béo, các loại hạt, quả óc chó vào chế độ ăn. Những chất béo lành mạnh này giúp giảm viêm đường hô hấp, thúc đẩy chức năng phổi tốt hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Protein

Protein giúp cơ hô hấp khỏe mạnh, cải thiện chức năng phổi. Chúng có ích cho các mô bị tổn thương, tổng hợp những chất tăng cường hệ miễn dịch. Người bệnh viêm phổi tăng cường cung cấp protein góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hồi phục của cơ thể.

Theo khuyến nghị của cơ quan y tế Mỹ, trung bình một người cần 0,8 g protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Đây là lượng protein tối thiểu cơ thể cần để không bị ốm. Để xác định lượng protein nạp vào hàng ngày, bạn có thể nhân trọng lượng cơ thể (kg) với 0,36 hoặc sử dụng công cụ tính lượng protein trực tuyến. Ví dụ một phụ nữ 50 tuổi nặng 63 kg và ít vận động cần ăn 53 g protein một ngày. Thực phẩm giàu protein bao gồm hải sản, thịt, gia cầm, trứng, các loại hạt, sản phẩm từ đậu nành…

Carbohydrate phức hợp

Carbohydrate (carb) gồm tinh bột, đường và chất xơ, là nhiên liệu phục vụ các quá trình trao đổi chất, tạo năng lượng, chức năng tiêu hóa cùng nhiều hoạt động quan trọng khác trong cơ thể. Có hai loại là carb đơn giản và carb phức tạp. Trong đó carb đơn giản thường ít hoặc không chứa chất xơ, protein. Ăn riêng lẻ carb đơn giản làm tăng lượng đường trong máu cao hơn so với carb phức tạp vì chúng được tiêu hóa nhanh chóng.

Người tuân thủ chế độ ăn kiêng low-carb giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Mỗi người hãy chọn những loại carb phức tạp. Ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau, trái cây có nhiều dưỡng chất này.

Vitamin

Trái cây và rau chứa nhiều vitamin A, C, B, D, E tốt cho phổi. Cơ thể có đủ vitamin D góp phần giảm khả năng nhiễm trùng phổi, cải thiện triệu chứng hen suyễn. Loại vitamin này ngăn ngừa COPD, hỗ trợ người mắc bệnh cải thiện chất lượng sức khỏe. Vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể trước các bệnh nhiễm trùng do virus, vi khuẩn như viêm phổi, các bệnh về đường hô hấp khác. Còn vitamin A, E ngăn ngừa nhiễm trùng phổi, tham gia vào quá trình sửa chữa tự nhiên của mô phổi.

Kali

Tình trạng hạ kali máu (nồng độ kali thấp) phổ biến ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Để có hệ hô hấp khỏe mạnh, mỗi người nên duy trì mức kali ổn định. Nguồn thực phẩm giàu kali là chuối, bơ, sữa, các loại đậu và cá hồi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *