10 kinh nghiệm cho một cuộc sống êm đềm như bản nhạc “Hometown Cha Cha Cha”

Hành trình “Hometown Cha-Cha-Cha” vừa kết thúc trọn vẹn, nhưng với những người hâm mộ trung thành thì dư âm của một cái kết đẹp vẫn chưa kết thúc.

Khán giả đã có một quãng thời gian vô cùng thư giãn và chữa lành với bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Hometown Cha-Cha-Cha”. Từ địa điểm quay tuyệt đẹp ở vùng biển Pohang cho đến dàn diễn viên đáng yêu, có vô số lý do khiến nhiều người trong chúng ta phải lòng bộ drama này. Hơn hết, nó không chỉ chứa đựng những tình huống hài hước, khoảnh khắc cảm động và những cảnh quay dễ chịu, mà còn là rất nhiều bài học cuộc sống. Hãy cùng Khỏe Đẹp Plus bàn về tình yêu, cuộc sống, sức khỏe tinh thần và tất cả mọi thứ chúng ta nhận được từ “những người dân nơi làng biển”.

Ấn tượng đầu tiên không phải cách bạn nhìn nhận một con người

Diễn biến của bộ phim tưởng chừng êm đềm, nhưng mấy ai nhận ra vai trò của cô nha sỹ Hye-jin đã thay đổi từ một người ai cũng muốn xua đuổi, trở thành một phần không thể thiếu của cộng đồng làng biển Gongjin đến mức gần như mọi người đã quên ấn tượng đầu tiên của cô ấy tồi tệ như thế nào. Ngoài Hye-jin, một số nhân vật cũng được giới thiệu là những người hàng xóm “khó ưa”: Nam-suk – kẻ buôn chuyện lớn nhất thị trấn, Chun-jae không ngừng khoe khoang quá khứ và Yeong-guk – một người chồng vô tâm điển hình.

Đó là vẻ đẹp “Hometown Cha-Cha-Cha” dành cho bạn. Bộ phim truyền hình khắc hoạ từng nhân vật và câu chuyện của họ. Hóa ra Nam-suk thực sự có nỗi khổ của riêng mình, một người mẹ vẫn đang cố gắng quên đi nỗi đau mất con. Chun-jae không phải là ca sĩ giỏi nhất nhưng là người cha thương con vô điều kiện. Yeong-guk cuối cùng đã có thể nhận ra những sai lầm của mình và trở thành người chồng tốt hơn. Khi cùng các nhân vật lớn lên đến cuối bộ phim, may mắn là tất cả mọi người đều đã cùng nhận được kết thúc có hậu.

Hãy ở bên những người luôn ủng hộ chúng ta

Tổ trưởng Hong đến với chúng ta thật hoàn hảo, dù có thể anh ấy đã mất cha mẹ và ông bà, nhưng không thể phủ nhận rằng anh đã được gia đình Gongjin nuôi lớn từng ngày. Thậm chí, mở đầu câu truyện, chắc hẳn nhiều người cũng đã thắc mắc cùng một điều: Một thanh niên đầy hoài bão và tài giỏi như anh làm sao có thể giúp đỡ mọi người mà không màng lợi ích như vậy?

Cuối cùng, chúng ta đã tìm ra chính xác lý do tại sao Hong Du-Sik không bao giờ ngần ngại giúp đỡ bất kỳ người nào ở Gongjin: Họ là những người đã đưa anh trở lại sau khoảng thời gian khó khăn đến mức muốn từ bỏ mạng sống. Sống lại ở cuộc đời thứ hai của mình, không có gì ngạc nhiên khi tổ trưởng Hong luôn muốn làm mọi thứ cho những người đã mang lại cho anh tình yêu thương.

Bạn không phải xin lỗi khi bản thân cũng là nạn nhân

Chúng ta đến với “Hometown Cha-Cha-Cha” vì muốn tìm đến một câu chuyện nhẹ nhàng và dễ đoán. Vì vậy, thực sự ngạc nhiên khi đan xen trong cuộc sống làng quê yên ả là tình huống đề cập đến một số vấn đề nặng nề hơn, trong số đó là tấn công tình dục. Sau khi Mi-seon, bạn thân nữ chính bị xâm phạm tại nơi làm việc, Hye-jin chạy đến giúp cô ấy và bị bắt giam vì đánh hung thủ, là con trai của một vị quan chức. Mi-seon đã xin lỗi Hye-jin vì khiến bạn mình gặp rắc rối. “Tại sao bạn lại xin lỗi? Bạn không làm gì sai cả,” Hye-jin đáp lại bạn mình. Mặc dù loạt phim không đi sâu vào vấn đề, nhưng họ đã đưa ra thông điệp: Nạn nhân không nợ ai bất kỳ lời xin lỗi. Thông điệp cũng được lặp lại nhẹ nhàng trong sự cố lừa đảo của cô Nam-suk và gài gắm thật khéo léo trong bi kịch của tổ trưởng Hong.

Bạn không bao giờ thực sự biết ai đó đang âm thầm trải qua những gì

Có một thực tế là điệu nhảy Cha Cha Cha phải được thực hiện bởi màn phối hợp nhịp nhàng của hai người. Khi đó, chúng ta phải quên đi bản thân để hoà mình vào nhịp điệu, bởi vậy mà những đau khổ cá nhân đang âm thầm chịu đựng lại vô tình bị che khuất. Có câu nói rằng “Hãy thật tử tế, vì mỗi người bạn gặp đều đang trải qua một trận chiến khó khăn”. Đây là bài học khá dễ thấy nhưng cũng là bài học mấu chốt trong cốt truyện của “Hometown Cha-Cha-Cha”. Ai mà biết được một số cư dân của ngôi làng Gongjin yên bình đã phải nén đau thương, chỉ vì không muốn những người hàng xóm thân thiết phải lo lắng cho mình chứ!

Đầu tiên, Nam-suk có lẽ là người có tính cách tươi sáng nhất trong thị trấn, nhưng sự thật là cô đã mất đi đứa con gái mình yêu thương nhất vì một căn bệnh nan y. Trong khi đó, đằng sau tính cách trưởng thành vượt tuổi của cậu bé I-jun đáng yêu thật sự là khao khát có được một gia đình hạnh phúc với đủ đầy cha mẹ.

Và tất nhiên, Du-sik, người đã phải trải qua rất nhiều đau buồn và tổn thương. Từ việc mất đi cha mẹ, đến sự ra đi của ông nội, đến cái chết của một người bạn thân yêu, anh ấy đã phải đối mặt với quá nhiều mất mát từ khi còn nhỏ; và thêm vào đó, anh dằn vặt bản thân phải chịu trách nhiệm cho sự ra đi của những người quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Bạn sẽ không bao giờ biết ai đó đang trải qua những gì, và không phải ai cũng chọn cách chia sẻ hoặc thể hiện điều tâm tư mình đang che giấu.

Luôn kết nối với những người bạn quan tâm và dành sự quan tâm cho bạn

Đã bao lâu rồi bạn không chủ động nghe tin tức từ người quen? Có thể ngay lúc này một người bạn thân hoặc một thành viên trong gia đình đang lặng lẽ trải qua một điều gì đó? Hãy thay đổi thói quen của bản thân, giữ liên kết với mọi người dù có đang ở xa nhau đi chăng nữa.

Mắt xích trong bi kịch của tổ trưởng Hong chính là nhờ sức mạnh của một tin nhắn, vụng về và sai chính tả. Du-sik thừa nhận rằng khi anh chuẩn bị kết thúc cuộc đời mình thì đột nhiên nhận được tin nhắn từ bà Gam-ri. Tuy không biết chính xác những gì Du-sik đã trải qua nhưng bà đã cứu một mạng người.

Bài học “Hometown Cha Cha Cha” này cực kỳ đặc biệt, nhất là trong thời kỳ đại dịch – khi rất nhiều người trong chúng ta vô tình bị ngăn cách với bạn bè và gia đình. Vậy nên nếu đang xem đến đoạn phim này hoặc bạn “có duyên” đọc bài viết của L’OFFICIEL Vietnam thì hãy gọi điện về cho gia đình, hay gọi cho những người bạn đang đi làm xa. Luôn lan toả yêu thương, rất có thể lời hỏi thăm của bạn sẽ là liều thuốc tinh thần quý giá nhất đối với ai đó gặp tổn thương.

Cho phép bản thân yếu đuối và chấp nhận thời gian cần thiết để chữa lành

Chúng ta đã được học về năm giai đoạn của đau buồn: Từ chối, Giận dữ, Trầm cảm, Mặc cả và Chấp nhận. Tất nhiên không phải ai cũng đều trải qua cùng một công thức. Nó cũng không đơn giản như đi từ bước này sang bước khác. Đau buồn là một quá trình và là một hành trình cá nhân.

Trong “Hometown Cha Cha Cha”, mỗi nhân vật tiếp nhận sự ra đi của một người thân yêu theo cách riêng. Hye-jin mất mẹ. Nam-suk mất con gái. Bố con Chun-jae và Ju-ri sớm mất vợ và mẹ. Đặc biệt Du-sik bị ám ảnh bởi các chết của ông và người anh thân thiết. Cuối cùng, mọi người đều thương tiếc cho sự ra đi của bà Gam-ri.

Một trong những cảnh đáng nhớ nhất là khi Hye-jin khuyên Du-sik: “Nếu quá đau, thì khóc cũng được mà!”. Vết thương nếu càng giữ sẽ càng đau, rồi đến một ngày nó sẽ thành căn bệnh. Đối với Du-sik việc nén chặt nỗi đau và giữ cho riêng mình đã thành thói quen. Nhờ có Hye-jin, anh cũng cho phép mình đau buồn vì mất đi những người thân yêu. Cho phép bản thân đau buồn thực sự là một điều gì đó dũng cảm.

“Chăm sóc sức khỏe của mình là điều tốt nhất bạn làm cho những người thân yêu” – Hye-jin

Điều này nghe có vẻ thật vô lý nhưng lại hoàn hảo cho những ai có người thân đang sống trong vùng dịch bệnh căng thẳng. Nếu bộ phim không lên sóng trong thời điểm đại dịch, thì lời nhắn “giữ gìn sức khoẻ” sẽ chỉ là một câu chào lịch sự.

Trong nhiều cảnh phim, các nhân vật đã nhắc nhở chúng ta rằng việc chăm sóc tốt cho bản thân không phải là một hành động ích kỷ. Sức khỏe tốt cho phép chúng ta có nhiều thời gian hơn với những người yêu thương. Vì vậy, nếu bạn đang đọc nội dung này: Hãy kiểm tra sức khoẻ tổng quát định kỳ, chăm sóc bản thân không chỉ cho bạn mà cho cả những người thân yêu của mình.

Đừng coi tình yêu của cha mẹ là điều hiển nhiên

Ai có thể biết độ dài của “lần sau” là bao nhiêu? Con trai của bà Gam-ri đã rất hối hận vì coi tình mẹ là điều hiển nhiên và chỉ tiếp tục tự nhủ “lần sau” sẽ dành thời gian cho mẹ. (Thật không may, không còn “lần sau.”) Bởi vậy, chúng ta hãy nắm bắt mọi cơ hội để yêu thương cha mẹ khi còn có thể.

Đừng ngại làm người chủ động

Một trong những lý do “Hometown Cha Cha Cha” được yêu thích cũng bởi dàn nhân vật nữ quyền lực. Chúng ta thấy các cô gái mạnh mẽ như Hye-jin và Mi-seon dũng cảm về vùng quê để lập nghiệp. Họ không ngại thừa nhận cảm xúc với chàng trai mình yêu, cho đến việc cầu hôn, những người phụ nữ này cũng không ngồi một chỗ và chờ đợi. Hai cô gái thành thị tự đứng lên để làm chủ cuộc đời, tận hưởng thành quả mình làm ra và hiện thực hoá câu chuyện tình yêu của mình.

Biết ơn vẻ đẹp bình dị

Tôi đã nghĩ mình sẽ không bao giờ rơi nước mắt bởi một bộ phim tình cảm nhẹ nhàng. Nhưng các biên kịch Hàn Quốc từ chối điều này. Sự ra đi của quý bà Gam-ri yêu dấu đã công phá hàng tuyến phòng thủ sắt đá của một “con mọt” phim Hàn. Đó là một sự ra đi đầy tiếc nuối? Không! Nếu được bình chọn cho “cái chết đẹp nhất” tôi xin dành mọi phiếu bầu của mình cho cảnh phim này. Nó trọn vẹn, và giá như ai đó cho tôi biết một từ đẹp hơn nữa để miêu tả. Trong lần ngủ lại với hai bà bạn già của mình, bà Gam-ri nhẹ nhàng nói về cảm xúc hạnh phúc – “tôi hạnh phúc,” không phải vì bất cứ điều gì phức tạp, mà vì những khoảnh khắc đẹp mà bà đã trải qua ngày hôm nay. “Hoàng hôn hôm nay đẹp như tranh vẽ vậy” “món mực tối nay cũng ngon”… “Tôi thấy mỗi ngày trong đời đều giống như hôm trước khi đi dã ngoại”. Chúng ta đang cố gắng hàng ngày để đuổi theo những điều coi là tốt đẹp mà quên “Để ý kỹ xung quanh, cuộc đời có quá nhiều điều quý giá”, đó cũng chính là điều bà Gam-ri nhắn nhủ với bạn mình trước khi tạm biệt. Cũng như một giấc ngủ đến với bà Gam-ri, chúng ta nhắm mắt, có thể tỉnh dậy và có thể không bao giờ tỉnh nữa, nếu hôm sau mở mắt thì đó là một điều tuyệt vời như buổi bình minh vậy! Cách bà Gam-ri mong muốn mọi người nhớ về tang lễ của mình như một dịp tụ tập cũng thật đẹp đẽ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *